Từ đó, người dân cho rằng bản mình đã xuất hiện một con ma ngón, người nào hợp với nó sẽ bị dẫn đi ăn lá ngón. Những người có ý định ăn lá ngón tâm niệm: Mình đã bị ma ngón bắt rồi, phải đi ăn thôi, có tránh cũng không được.
Do lòng tự ái, nhiều người dân bản coi thường mạng sống của mình. Có người chỉ bị người nhà mắng mỏ hay va chạm nhẹ với bà con lối xóm đã lập tức tìm ngay tới lá ngón. Con bỏ học, bị bố mắng cũng tìm đến lá ngón, vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” cũng tìm ngay lá ngón, rồi hàng xóm cãi nhau con gà qua giậu cũng lại lá ngón. Số người chết vì lá ngón cứ tăng dần theo năm tháng. Đặc biệt, từ năm 2004, hầu như tháng nào cũng có người chết vì ăn lá ngón tự tử.
Anh Lý A Tỏn, Bí thư chi bộ xã Nậm Xe, kể: Lá ngón nhiều lắm, mọc tràn lan ở các lối đi vào bản, chỉ cần ra đầu ngõ là gặp lá ngón, có chỗ lá ngón bò cả vào nhà. Ngay trước bản, ngọn đồi rộng 6 ha cũng bạt ngàn lá ngón. Chính vì vậy nó là một “cơ hội” cho những người nông nổi. Đêm về, lá ngón tỏa mùi hắc và độc lắm, sáng ra mệt không muốn dậy, ai không quen thì khó chịu lắm. Cũng theo anh Tỏn, nếu lấy tay vục nước rửa mặt hoặc bốc thực phẩm hay bị xước chân tay mà chạm phải lá ngón sẽ rất dễ mất mạng.
Ông Chang Xuân Hòa, Trưởng bản Dền Thàng, người từng cứu chữa nhiều người ăn lá ngón, cho biết số người chữa được không nhiều. Ông Hòa đưa ra một cuốn sổ ghi tên tuổi 63 người ăn lá ngón tự tử, trong đó số người cứu được không quá 1/3. Theo ông, đây chỉ là số liệu thống kê hơn chục năm trở lại đây, còn trước nữa thì không ai nhớ hết được.
Trưởng bản Hòa đau xót: “Khổ lắm, đang tuổi thanh niên sức dài vai rộng, khúc mắc một chút là lại ngửa cổ ra, có cháu bé chưa gọi rõ tên bố mẹ cũng lăn ra chết” - Chính con trai ông cũng là nạn nhân của ma ngón. "Cháu học nội trú trường huyện, tối ngủ nhà bạn thì bạn bị mất tiền (70.000 đồng). Sợ bị mắng, bạn rủ đi ăn lá ngón tự tử, thế là đi ngay" - ông Hòa quệt nước mắt.
Bản Dền Thàng cũng chưa quên cái chết của cháu bé con anh Tẩn A Điểm, công an xã. Do khúc mắc với bố, nó hái lá ngón ăn, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Đau lòng hơn là vụ gia đình ông Lý Sa Đanh, 4 người ăn lá ngón, chết mất 2, nguyên nhân cũng chỉ là chuyện con gà, đàn lợn trong gia đình. Gần hơn cả là vụ tự tử tập thể, 5 học sinh rủ nhau trộm thóc của bố mẹ để đổi mỳ tôm, sợ bị mắng nên rủ nhau cùng ăn lá ngón. Rất may, hôm đó được mọi người phát hiện sớm nên 4 em thoát nạn.
Cuộc chiến diệt “ma ngón”
Trước những cái chết đầy đau thương, đồn biên phòng Nậm Xe đã vạch ra nhiều biện pháp để vận động, giúp đồng bào nhằm giải quyết dứt điểm cây “giặc ngón”. Họ bắt đầu từ việc giúp dân, dạy học cho trẻ, hướng dẫn trồng lúa nước, cây ăn quả và chăm sóc đàn trâu bò. Dần dần, bộ đội biên phòng được dân bản coi là người nhà. Rồi dần dà họ cùng chính quyền nói cho người dân hiểu rõ tác hại của lá ngón, khuyên không mê tín dị đoan.
Những lần ra tay tiêu diệt cây lá ngón, để giải tỏa cái “tâm” mê tín của người dân, bộ đội còn làm “lễ cúng ma” rồi cùng nhau nhổ trước: “Nếu ma ngón có giận sẽ bắt người nhổ trước, dân bản cứ yên tâm” - trung úy Đỗ Văn Tài nói. Dân bản thấy “yên cái bụng”, rồi chẳng ai bảo ai, cả tháng trời nhà nào cũng có vài người tay cầm cuốc thuổng diệt “ma ngón”.
Từ đó, cứ 3 tháng một lần, đồn biên phòng Nậm Xe lại tổ chức một đợt diệt cây lá ngón. Những khu đồi lá ngón mọc đang được thay bằng những thửa ruộng bậc thang xanh rì lúa nước và dưa.
Bình luận (0)