Trong số này có 91 linh kiện, phụ kiện cho điện thoại thông minh Galaxy S4 và 53 linh kiện, phụ kiện cho máy tính bảng 7 inch. Hồi cuối tháng 8-2014, Samsung cũng có động thái tương tự khi công bố danh mục 170 linh - phụ kiện.
Đợt đầu, trong 67 công ty được Samsung chọn làm đối tác cung ứng các linh - phụ kiện giản đơn (như bao bì, vỏ nhựa, hộp giấy, tai nghe, sạc pin, cáp USB…), đại đa số là các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan; chỉ có 5-7 doanh nghiệp thuần Việt được chọn, chủ yếu sản xuất và cung ứng... bao bì.
Chắc chắn rằng trở thành đối tác của tập đoàn toàn cầu này không dễ chút nào, nhất là khi Samsung đưa ra bộ tiêu chí quá cao. Cụ thể, họ đưa ra 8 yêu cầu bao gồm: công nghệ, chất lượng, năng lực cung ứng, giao hàng, giá cả, môi trường, tài chính, luật pháp và 13 mục cần phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Chưa bàn đến triển vọng lãi hay nguy cơ lỗ, chỉ mỗi đáp ứng được những tiêu chí nói trên thôi thì bất cứ doanh nghiệp nào dù đầy tham vọng nhưng yếu thế là đã bỏ cuộc ngay từ đầu.
Mà thách thức lớn thì cơ hội lớn. Vấn đề là làm sao vượt qua thách thức để đến tiếp cận cơ hội.
Ai cũng thấy cánh cửa vận hội đang rộng mở đối với các doanh nghiệp Việt, nhất là khi Samsung - ngoài 3 tổ hợp sản xuất lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP HCM - ngày càng mở rộng đầu tư tại Việt Nam và tập đoàn này đang thành công rực rỡ tại nước ta. Sắp tới đây, khi các hiệp định tự do mậu dịch có hiệu lực, để hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan thì Samsung phải đáp ứng yêu cầu nội địa hóa đạt tỉ lệ 40%, đồng nghĩa rằng cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp sở tại sẽ tăng lên bội phần.
Nhưng chúng ta đã làm được gì để nắm bắt những cơ hội này, không chỉ từ Samsung mà còn từ Intel, Microsoft hay các dự án đầu tư nước ngoài “tỉ đô” khác nữa?
Chưa có gì cả, ngoài một ngành điện tử đang chết mòn và một ngành công nghiệp phụ trợ hầu như chỉ có trên giấy. 20 năm vào làm ăn trên đất của ta, Samsung ngày càng lớn mạnh và cũng chừng ấy năm, hai ngành mũi nhọn của công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói trên của nước chủ nhà có nguy cơ phải đăng cáo phó.
Trước đây, khi quy mô của Samsung còn nhỏ, doanh nghiệp Việt dè dặt tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này vì lượng hàng sản xuất ít trong khi đầu tư cho công nghệ quá tốn kém nên giá thành cao, khó có lãi. Còn nay, khi Samsung đã bán tới hàng trăm triệu sản phẩm mỗi năm thì chúng ta gần như vẫn đứng ngoài cuộc, chết thèm bên mâm cỗ.
Samsung như một cô gái đẹp, đưa ra chào mời tựa hồ lời thách cưới với đám trai làng. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam như đám đông đàn ông con trai dập dìu dù rất muốn cầu hôn mỹ nhân này nhưng vì không thể đáp ứng “mâm cao cỗ đầy” lại chưa đủ năng lực “làm chồng” nên chỉ biết nói lời cay đắng “suốt đời anh vẫn mãi là người đến sau”.
Đến sau, mà cũng chẳng biết ngày nào đến (!)
Bình luận (0)