Hà Nội là một trong những trọng điểm chiếm đóng khi thực dân Pháp quyết thực hiện dã tâm quay trở lại Đông Dương. Chúng tập trung ở đây một trung đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng thiết giáp, một tiểu đoàn pháo, một bộ phận biệt kích, lính dù cùng không quân và thủy quân với tổng số khoảng 6.500 lính. Trong khi đó, lực lượng vệ quốc quân ở Hà Nội chỉ có 2.515 người và 8.000 tự vệ, gồm tự vệ chiến đấu cứu quốc, tự vệ thành Hoàng Diệu và tự vệ của các xí nghiệp.
Quyết tử cho thủ đô
Trong hồi ký của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ông kể: “Trung tuần tháng 12-1946, tôi báo cáo với Bác Hồ có thể giữ được Hà Nội từ 1 tháng trở lên”. Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, bắt đầu cuộc chiến giữ nước trước sự xâm lăng trở lại của thực dân Pháp. Bộ Tổng chỉ huy quyết định nổ súng vào 20 giờ ngày 19-12-1946 nhưng chỉ có Hà Nội thực hiện mệnh lệnh đúng thời gian, những nơi khác đều chậm hơn từ 2 đến 7 giờ.
60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội là trận chiến ngắn nhưng chứng kiến tinh thần của những người Hà Nội quả cảm “sống mãi với thủ đô”. Dù quân Pháp mở liên tiếp nhiều cuộc tiến công ra các cửa ô với xe tăng, xe bọc thép, pháo binh và cả máy bay đi kèm trong khi tự vệ quốc đoàn cũng như tự vệ Hà Nội chỉ có giáo mác, súng trường và bom ba càng tự chế.
Đại tá Doãn Thạch Khôi, một người lính của tự vệ thủ đô ngày đó, nhớ lại: “Những người lính bảo vệ Hà Nội đã lập các chiến lũy, chướng ngại vật, công sự giành giật với địch từng quãng đường, từng ngôi nhà”.
Tại các phố Khâm Thiên, Hàng Bột, Đội Cấn, quân Pháp không thể vượt được qua các chiến lũy của ta mà phải đi đường vòng. Trong nhiều trận đánh, những người lính quyết tử Hà Nội dùng bom ba càng lao thẳng vào xe tăng địch khiến quân Pháp kinh hồn bạt vía.
Tết Đinh Hợi (1947), trong thư gửi các chiến sĩ quyết tử của thủ đô, Bác Hồ viết: “Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cho tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy ngàn năm để lại. Cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại đến cho các em...”.
Ban đầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự báo lực lượng của ta đủ sức giữ Hà Nội trong một tháng nhưng cuối cùng, quân và dân Hà Nội đã ngoan cường, anh dũng chiến đấu để giữ Hà Nội trong 60 ngày.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký: “Trưa ngày 18, anh Hoàng Văn Thái vui vẻ báo cáo cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ đô đã thành công trọn vẹn, rút ra không thiếu một người, không thiếu một khẩu súng”. Ngay sau đó, vị tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đã viết một bức thư gửi Trung đoàn Thủ đô: “Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần. Cho đến ngày Tổ quốc độc lập thống nhất. Cho đến ngày thủ đô Hà Nội được làm thủ đô một nước độc lập, thống nhất. Ta thề thủ đô sẽ chiến thắng quân thù”.
Nước mắt ngày chia xa
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vào năm 1947 đang là chính trị viên Tiểu đoàn 18 thuộc Trung đoàn Thủ đô, nhớ lại: “Trong cuộc mít tinh mừng thắng lợi của 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội tại làng Thượng Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã đồng thanh hô vang lời thề: Ta thề thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”. Lời thề ấy là lời hứa của chúng tôi trước khi rời Hà Nội với nỗi nhớ da diết, khôn nguôi”.
Đại tá Doãn Thạch Khôi nói ông nhớ ngày đó những thanh niên Hà Nội đa tài, lãng mạn sau lời thề đã ca vang bài hát của một chiến sĩ mới sáng tác: “Rồi ngày mai sẽ quay về đây/ Sông Hồng reo đón mừng đoàn quân quay về/ Vang hát phố phường đỏ thắm say xuân mới/ Hà Nội ơi! Hà Nội ơi! Ngày mai ca vang đời mới huy hoàng...”. Phải mất hơn 7 năm sau, những người con Hà Nội từ phố thị lên chiến khu, từ đồng bằng tới miền rừng núi mới thực hiện được lời thề năm nào.
Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, chàng học sinh Trường Bưởi (sau này mang tên Chu Văn An) Trần Văn Đông được đi học Trường Sĩ quan Lục quân rồi được điều về Liên khu I. Sau này, ông trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 là tiểu đoàn chủ lực của Trung đoàn Thủ đô về tiếp quản Hà Nội. Ông nhớ lại tâm trạng khi chia xa Hà Nội: “Những thanh niên Hà Nội như chúng tôi đều luyến tiếc khi phải rời khỏi thủ đô, nơi chúng tôi được sinh ra, lớn lên, học tập và chiến đấu”.
Có cái Tết giữa an toàn khu Việt Bắc, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô làm mô hình tháp Rùa để nhớ Hà Nội. Nỗi nhớ ấy được thôi thúc trở thành ý chí căm thù và tinh thần chiến đấu anh dũng. Những năm đầu toàn quốc kháng chiến, chỉ với giáo mác và vũ khí thô sơ thu được của địch, họ đã dám đánh thẳng vào đồn địch. Cảm xúc như còn nguyên vẹn với người lính Trung đoàn Thủ đô Trần Văn Đông: “Đánh đồn Pháp, chúng tôi coi đồn như là thủ đô đang bị chúng chiếm đóng. Tiêu diệt xong một đồn nghĩa là ngày về thủ đô sẽ gần hơn”.
Quỳ trước thành Hoàng Diệu
Đại tá Trần Văn Đông nói rằng khi rút qua cầu Long Biên để lên chiến khu, bao nhiêu nước mắt của những người con Hà Nội ra đi thì cũng là bấy nhiêu nước mắt lúc trở về. Ông Đông nhớ rất rõ hình ảnh người đồng đội Đỗ Chí, một thanh niên Hà Nội nổi tiếng nghịch ngợm, nhà ở phố Nhà Chung. Trong ngày 10-10-1954, khi về đến Hà Nội, chàng trai ấy đã quỳ trước cột cờ và lẩm nhẩm: “Báo cáo với cụ Hoàng Diệu, chúng con đã về”. Hình ảnh cột cờ Hà Nội tung bay cờ đỏ sao vàng sau 80 năm bị Pháp đô hộ cũng là ấn tượng in đậm trong tâm trí những người lính là con em Hà Nội nói riêng và người dân thủ đô anh hùng nói chung.
Kỳ tới: 8 năm chờ một ngày về
Bình luận (0)