Tiểu đoàn Bình Ca có phiên hiệu là Tiểu đoàn 18 thuộc Trung đoàn Thủ đô anh hùng. Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, họ là những chiến sĩ cảm tử với lời thề “Ra đi hẹn một ngày về”. Tiểu đoàn Bình Ca nhận mật lệnh từ Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp “về trước”, thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt để bảo đảm cho đại quân khi tiến vào được suôn sẻ.
Mật lệnh của Đại tướng
Phó chính ủy Trung đoàn Thủ đô Trần Trác được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi vào ngày 4-9-1954 để bàn giao nhiệm vụ tối mật. Một trong những người đầu tiên được truyền mật lệnh ấy là Đại tá Doãn Thạch Khôi, nguyên chính trị viên đại đội chủ công 261 của Tiểu đoàn Bình Ca.
Ông Khôi nay đã 87 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in chỉ thị của Đại tướng gồm 3 điểm: tiếp nhận bàn giao từ quân đội Pháp phải bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối để Trung đoàn Thủ đô tiếp quản chính thức; chống khủng bố, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân không cho Pháp mang theo tài liệu, phương tiện ra khỏi Hà Nội; bảo đảm còn điện, còn nước khi tiếp quản.
Tiểu đoàn Bình Ca chia làm 35 tổ mang danh nghĩa tiểu đoàn cảnh vệ chứ không phải tiểu đoàn chủ lực. Riêng Đại đội chủ công 261 của ông Khôi phụ trách 20 tổ tiếp nhận bàn giao những điểm quan trọng.
Ông Khôi nhớ lại: “Sau ngày 4-9-1954, tiếp nhận chỉ thị, chúng tôi gấp rút chuẩn bị. Trong 15 ngày sau đó, tất cả các chiến sĩ đều được đóng góp ý kiến và đặt các vấn đề, tình huống giả định khi vào tiếp quản, không khí rất dân chủ”. Chỉ thị của Đại tướng là giữ bằng được hòa bình và an ninh trước lễ tiếp quản nhưng nếu địch phá hiệp định, gây chiến tranh thì phải kiên quyết chiến đấu. Nhiệm vụ nặng nề nhất mà tiểu đoàn đối mặt là đối sách với quân Pháp khi đó chưa chính thức rút khỏi Hà Nội và trên danh nghĩa vẫn là những người quản lý, cai trị.
Ông Khôi nói: “Chúng tôi trong tư thế Bộ đội Cụ Hồ, tư thế của người chiến thắng nhưng để bảo đảm hòa bình, anh em đã xác định tư tưởng chấp nhận hy sinh nếu bị địch bắt cóc, thủ tiêu. Khi ấy, chúng tôi sẵn sàng hy sinh chứ không nổ súng, tránh tạo cho quân Pháp lấy cớ phá hiệp định. Nếu có biến, những chiến sĩ của tiểu đoàn cũng xác định 35 tổ tiếp quản sẽ trở thành 35 pháo đài, thực hiện chiến thuật “nở hoa trong lòng địch”. Nhiệm vụ không để địch lôi kéo, mua chuộc di cư vào Nam; tuyên truyền để nhân dân thủ đô hiểu đúng về Việt Minh ở lại với thủ đô cũng được thực hiện.
Khi người Pháp nói “Vive la paix”
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca, cho rằng sự kiện Tiểu đoàn Bình Ca vinh dự là đơn vị bộ đội đầu tiên vào tiếp quản thủ đô là một sự trùng hợp lịch sử hiếm thấy vì Tiểu đoàn Bình Ca chính là đơn vị đầu tiên được lệnh rút ra khỏi Hà Nội hồi đầu kháng chiến toàn quốc. Các cựu binh tiểu đoàn rất tự hào vì là nhân chứng lịch sử 2 sự kiện: Ra đi và ngày về.
“Theo Hiệp định Trung Giã, Pháp sẽ đón chúng tôi vào 8 giờ ngày 8-10 tại cầu Đuống. Đúng giờ, chúng tôi có mặt ở phía Bắc cầu Đuống. Sau thủ tục đón tiếp, anh Vũ Huy Hậu, chính trị viên tiểu đoàn, cùng viên quan ba Pháp dẫn đoàn qua cầu về Hà Nội. Đoàn xe đón chúng tôi gồm 35 chiếc GMG và 3 xe bọc thép hộ tống. Trời lất phất mưa. Thực chất quân Pháp vẫn mặc cảm, không muốn nhìn thấy cảnh xe quân sự của mình chở bộ đội Việt Minh. Ngồi trên xe, anh em nhanh trí tháo bạt để người dân nhìn thấy lính Bộ đội Cụ Hồ. Nhân dân ùa ra đường chào mừng, vỗ tay rất đông” - đại tá Khôi hồi tưởng.
Về đến nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện trung ương Quân đội 108), trụ sở của Ủy ban Liên hiệp đình chiến, rất nhiều lính Pháp đã đứng chờ sẵn nhưng không khí vẫn rất căng thẳng. “Trước thái độ của người Pháp, tôi chủ động tiến đến nói một câu tiếng Pháp: “Vive la paix” (Hòa bình muôn năm!). Người Pháp lúc này nở nụ cười, tất cả đồng thanh nói “Hòa bình muôn năm!” - ông Khôi kể.
Tướng Cư cho rằng câu nói của ông Khôi đã làm mềm không khí, thể hiện rõ thiện chí và khát khao hòa bình của người dân Việt Nam. Sau câu nói ấy, người Pháp vui vẻ bố trí xe để 35 tổ về 35 vị trí bàn giao theo sắp xếp từ trước của Ủy ban Liên hiệp đình chiến. Hai ngày đêm phải ở chung với lính Pháp, 214 người lính của Tiểu đoàn Bình Ca phải chịu không ít thử thách với những cuộc đấu trí căng thẳng. Lực lượng Pháp lúc ấy ở Hà Nội còn 2 tiểu đoàn, nhiều tên hiếu chiến, thù địch và bọn Việt gian phản động âm mưu phá hoại hòng trao trả cho ta một thành phố xơ xác, tan hoang; gây mất an ninh, ổn định cuộc sống của nhân dân.
Kỳ tới: Giấc mơ sau ngày tiếp quản
Để ngày về là ngày vui trọn vẹn
Khi giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn Bình Ca, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh tầm quan trọng của điện, nước khi tiếp quản. Chính vì thế, các tổ thông thường chỉ có 3-6 người nhưng riêng 2 tổ tiếp quản nhà máy điện và nhà máy nước có tới 13 người chốt giữ. Ông Doãn Thạch Khôi trực tiếp tham gia tổ tiếp quản nhà máy nước Yên Phụ. “Quân Pháp cũng có ý định đầu độc nguồn nước trước khi rút nhưng chúng tôi kịp phát hiện. Khi tên lính Pháp cuối cùng rút đi vào chiều 9-10-1954 thì điện, nước và mọi sinh hoạt của thủ đô vẫn bảo đảm. Ngày 10-10-1954, quân của Đại đoàn 308 hùng dũng vào tiếp quản thủ đô, Hà Nội cờ hoa rực rỡ” - ông Khôi tự hào.
Bình luận (0)