Đó là chuyện ở Venezuela, một đất nước đang bất ổn chính trị vì khủng hoảng lương thực trầm trọng do giá dầu giảm sâu. Người dân vì quá đói nên phải cướp để có cái ăn.
Hai ngày qua, tôi lại xem một video clip khác cũng ghi cảnh tương tự nhưng xảy ra ngay trên quê hương mình. Hôm 1-11, một xe tải chở hàng cho siêu thị, khi lưu thông trên Quốc lộ 1D đoạn qua phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thì gặp nạn, bốc cháy. Lúc chiếc xe vừa bị thiêu rụi, nhiều mặt hàng trên xe bị cháy hỏng, hàng chục người ào đến “hôi của”. Họ xách theo bao vải, túi ni-lông lao vào xe lục xới, gom lấy gom để nào bột giặt, bếp gas, sữa, đường, đồ gia dụng… Tài xế chỉ biết đứng khóc, nhìn đám đông đang lên cơn cuồng tham. Một người đàn ông đi qua la lớn: “Đừng có lấy! Hàng đang còn nguyên, trả lại cho người ta”, rồi vài người khác chạy tới can ngăn nhưng đều bất lực.
Đâu phải đói mới ăn vụng, túng mới làm càn! Giữa TP Quy Nhơn đấy, ắt hẳn không nghèo mạt như dân ở Tocuyito, mà vẫn “hôi của”. Phải gọi tên hành vi đó là cướp cạn mới đúng!
Trường hợp này tái hiện vụ “hôi bia” trên đường phố Biên Hòa (Đồng Nai) hồi tháng 12-2013. Cả hai vụ đều nhục nhã, ê chề và cùng gợi lại nỗi buồn nhân thế: Thấy đồng loại lâm nạn mà không giúp, vậy lòng nhân ái đâu rồi?
Sự việc xấu hổ ấy được nối dài bởi một vụ khác, thương tâm hơn. Vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) làm 13 người chết là một đại nạn. Hầu hết các nạn nhân đã tử vong là học viên Học viện Chính trị quốc gia, lớp dành cho trưởng - phó phòng cấp sở. Trưa 1-11, sau khi thi hết môn, họ tổ chức chung vui trong quán karaoke 68 thì gặp chuyện buồn...
Dù các nạn nhân là ai, làm gì thì cũng đều rất đáng thương, cần được chia sẻ. Nhiều người mất đi để lại cha mẹ, vợ con, anh em và tương lai rộng mở ở phía trước. Là con người, cảm xúc thông thường là đau buồn, tiếc nuối trước tổn thất quá lớn ấy. Vậy nhưng, trên mạng xã hội ngày 2-11, ngay sau biết thông tin về nhân thân những nạn nhân xấu số, rất nhiều người đã tỏ ra hả hê. Hả hê chỉ vì những người gặp nạn đều là “cán bộ nguồn”. Thật phản cảm, vô văn hóa và có lẽ chẳng còn cách bày tỏ thái độ nào nhẫn tâm hơn thế!
Người Việt vốn sống trọng tình, có truyền thống yêu nước thương nòi. Từ bao đời, chúng ta gọi nhau là “đồng bào”, tức “cùng một bọc”, hàm ý xem nhau như cùng một nhà, cùng một tổ tiên. Thế mà ngày càng nảy nòi nhiều hành vi, lối sống vị kỷ, vô cảm, phi nhân. Chợt nhớ trong “Đời thừa”, Nam Cao viết: “Không có tình thương, con người chỉ là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỷ”. Hoàn cảnh sống nhiều ngang trái, thiếu niềm tin và áp lực sinh tồn đã góp phần khiến một bộ phận người Việt mất đi thiên lương vốn có.
Dòng chảy ngược ấy không thể nào làm đảo chiều lẽ sống “người trong một nước phải thương nhau cùng” nhưng hy vọng cũng đủ để thức tỉnh các nhà quản lý xã hội thời nay.
Bình luận (0)