Xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là một trong những điểm nóng khai thác cát trái phép trên sông Chu bởi bãi bồi ở đây tập trung nhiều cát đẹp.
Bãi bồi sông Chu đã sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn
Chúng tôi theo ông Nguyễn Văn Thảo, Xã đội trưởng kiêm phó tổ trực bảo vệ tài nguyên cát xã Thiệu Nguyên, ra sông Chu và thấy một chiếc tàu đang buông nhiều vòi cắm xuống lòng sông hút cát. Tiếng máy nổ chát chúa vọng cả khúc sông.
Thấy chúng tôi, chiếc tàu vội kéo vòi, nhổ neo chạy ra giữa sông. "Vị trí chiếc tàu vừa hút cát thuộc địa phận xã Thiệu Nguyên. Biết họ khai thác trái phép nhưng chúng tôi chỉ chạy ra để xua đuổi chứ chẳng làm gì được. Giờ họ còn biết sợ chứ trước đây ngang ngược hút cát suốt ngày đêm mặc người dân tìm đủ mọi cách xua đuổi, thậm chí đuổi rát quá thì họ chống trả" - ông Thảo nói.
Lên thuyền đi dọc sông Chu, chúng tôi gặp hàng chục tàu hút cát, hầu hết chẳng có biển kiểm soát. Có chỗ tập trung nhiều tàu buông neo. Theo cán bộ xã Thiệu Nguyên, ban ngày chỉ có một vài tàu chạy lòng vòng thấy ở đâu không có người thì hút cát, còn lại "án binh bất động" chờ đêm mới móc ruột sông Chu. Bãi bồi qua xã Thiệu Nguyên sạt lở nham nhở khắp nơi, có chỗ ngoạm sâu vào đất liền.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên, cho biết xã phải thành lập tổ bảo vệ tài nguyên cát với 13 người, ngày đêm thay nhau bảo vệ bãi bồi. "Ngoài tổ bảo vệ, chúng tôi còn trang bị 1 thuyền tuần tra, dựng 1 chòi canh và 2 trạm quan sát thay phiên nhau tuần tra bảo vệ bờ sông. Kinh phí hoạt động phải lấy từ ngân sách của xã. Nhờ có tổ bảo vệ mà tài nguyên không bị cướp trắng trợn như trước" - ông Thắng nói.
Không chỉ có "cát tặc", cả những doanh nghiệp được cấp mỏ cũng không tuân thủ quy định, cố tình cho tàu hút cát ngoài vị trí mỏ, quá số lượng quy định khiến đất ven sông sạt lở.
Theo lãnh đạo xã Thiệu Nguyên, năm 2016, Tổng Công ty XD-TM Hưng Đô (huyện Thiệu Hóa) cố tình cho hàng loạt tàu thuyền cắm vòi hút cát ngoài vị trí mỏ cát số 5 mà công ty này được cấp khiến phần chân bãi bồi của xã sạt lở gần 12 ha đất nông nghiệp, nhiều đoạn sạt lở sâu vào thân bãi gần
100 m. Xã có đơn gửi UBND huyện đề nghị công ty phải có trách nhiệm bồi thường cho dân thì họ nói do khai thác nhầm vị trí.
Tại huyện Thọ Xuân, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Lâm Tuấn được cấp mỏ số 28. Điểm tập kết cát được cấp phép cách mỏ 6 km. Lợi dụng việc này, công ty thường xuyên cho tàu thuyền khai thác cát không đúng vị trí khiến nhiều diện tích đất của các xã vùng này trôi tuột xuống sông. Quá bức xúc, UBND xã Xuân Trường đã kiến nghị huyện, tỉnh thu hồi bãi tập kết cát nói trên.
Việc khai thác cát trái phép tràn lan trên sông Chu không chỉ gây sạt lở hàng trăm hecta bãi bồi, thất thoát tài nguyên quốc gia mà còn ảnh hưởng đến nhiều tuyến đê do xe tải ra vào các mỏ cát. Đê được bê tông hóa bị xe tải băm nát, ảnh hưởng rất lớn đến dân sinh và phòng chống thiên tai.
Vận chuyển cát nhiễm mặn không rõ nguồn gốc
Ngày 17-6, Đồn Biên phòng Bến Đá (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện, người, hàng hóa để xử lý đối với 5 sà lan về hành vi vận chuyển 2.600 m3 cát nhiễm mặn tại khu vực biển Sao Mai (TP Vũng Tàu). Các thuyền trưởng và người đại diện phương tiện đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc số cát nhiễm mặn cũng như các giấy tờ liên quan đến con người, phương tiện.Ng.Giang
Bình luận (0)