Trước nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng theo logic thông thường, Trung Quốc sẽ độc chiếm biển Đông trước, sau đó mới khai thác. Nhưng những gì mà Trung Quốc nói và làm trong những ngày qua chứng tỏ họ đã coi biển Đông là “ao nhà” trong khi liên tục bù lu bù loa các hành động chính đáng nhằm thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam là “hành động xâm lược”, “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”. Từ đó, Trung Quốc càng ráo riết thực hiện mộng bành trướng trên biển Đông.
Biểu hiện rõ nhất là họ tiếp tục đưa giàn khoan thứ hai vào khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ, đồng thời xúc tiến xây dựng căn cứ quân sự hiện đại trên đảo Gạc Ma vốn đã đánh chiếm của Việt Nam năm 1988. Hành động táo tợn này của Trung Quốc chứng tỏ họ vừa thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông vừa ráo riết triển khai chương trình khai thác dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây rõ ràng là hành động vừa ăn cướp vừa la làng.
Với mưu đồ này, Trung Quốc đã thực hiện 1 trong 10 chương trình trọng điểm cấp quốc gia là đóng thêm các giàn khoan Hải Dương 982, 943 và 944 với tổng giá trị nhiều tỉ USD, đủ sức hoạt động ở vùng biển có độ sâu tới hàng ngàn mét. Cụ thể, giàn khoan Hải Dương 982 có thể hoạt động ở độ sâu 1.524 m, khoan sâu tối đa tới 9.144 m. Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc còn đang mở rộng hoạt động khai thác ở vùng biển ngoài khơi phía Nam Trung Quốc .
Sở dĩ Trung Quốc vừa độc chiếm trái phép, vi phạm luật pháp quốc tế vừa khai thác dầu mỏ và khí đốt ở biển Đông là nhằm sẵn sàng đối phó với tình hình bất ổn ngày càng gia tăng đến mức đáng lo ngại ở những khu vực mà Trung Quốc phải nhập khẩu năng lượng như châu Phi và Trung Đông, mà Iraq là điểm nóng nhất. Nếu Iraq và các khu vực khác rơi vào bất ổn kéo dài, Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng.
Để không bị khủng hoảng năng lượng, Trung Quốc đang tăng tốc hơn bao giờ hết các hành vi đi ngược luật pháp quốc tế nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm và khai thác dầu mỏ, khí đốt ở biển Đông. Do đó, Việt Nam và các nước đang bảo vệ chủ quyền của mình ở biển Đông cần gấp rút vận dụng các cơ sở pháp pháp lý quốc tế để ngăn chặn tham vọng này của Trung Quốc khi còn chưa muộn.
Bình luận (0)