Những cách giả dạng ăn xin muôn màu muôn vẻ mà truyền thông phản ánh thời gian qua khiến nhiều người phải lắc đầu ngao ngán, thậm chí cảm thấy ngờ vực những người lạ mặt xung quanh.
Trẻ, già, trai, gái trong đội quân chuyên đánh lừa kia thường có ít nhất một chiêu khổ nhục kế để đánh động lòng trắc ẩn của người đi đường. Từ những “bài ca” mất bóp, bị móc túi, không đủ tiền trả viện phí đến chuyện xe hết xăng, bị lạc đường, không có tiền về quê…
Cao tay nhất có lẽ là chiêu trò dàn dựng cho những đứa bé khẳng khiu, áo quần phong phanh nằm vật vạ ngoài mưa nắng hay giả làm những người bị thương tật băng bó khắp mình, lê lết không mệt mỏi giữa những vũng nước đọng bẩn thỉu trong các khu chợ.
Thỉnh thoảng, người ta cũng nghe thông tin mấy kẻ giả dạng thầy tu len lỏi vào chợ đời kiếm ăn với những chuyện dở cười dở khóc. Tất cả những người đó hoặc được “chăn dắt” từ xa hoặc hành động một mình hay theo nhóm.
Nhưng điều băn khoăn ở đây là bên cạnh những kẻ giả dạng với đủ loại mưu kế để móc hầu bao người khác vẫn có những người đi xin hoặc đi bán vé số vì túng thiếu thật sự. Làm sao nhận ra họ? Đó là câu hỏi nghiêm túc của nhiều người vốn có nhu cầu giúp đỡ người khác như một thôi thúc tự nhiên hay cũng có thể là khuynh hướng hướng thiện mang màu sắc tâm linh.
Gần đây, vào khoảng 16-17 giờ, tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ (TP HCM) thỉnh thoảng xuất hiện một người đàn bà gầy gò, khoảng trên 40 tuổi, cầm một xấp vé số chạy qua chạy lại trên vỉa hè với khuôn mặt nhăn nhúm, hớt hải. Bà gào khóc mời khách qua đường mua giúp nhưng hầu như chẳng ai phản ứng. Vài ngày sau, bà lại xuất hiện ở chỗ cũ, lại hớt hải, gào khóc mời mua vé số nhưng vô vọng.
Trường hợp khác là một cậu bé khoảng 15-16 tuổi, đôi chân có vẻ như bị liệt, thường qua lại trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú). Người ta nhìn thấy cậu bé lết một cách khó nhọc bằng một tay, tay kia cầm xấp vé số. Có vẻ như đã quen với hình ảnh này nên những người sống gần đó vẫn bình thản lướt qua. Vậy 2 con người ở đây cần được gọi đúng tên là gì? Chắc chắn câu hỏi vẫn lơ lửng với nhiều người trừ khi họ biết chắc về những phận đời này.
Thương người là tình cảm tự nhiên mang tính truyền thống của người Việt. Phẩm chất này rất tiếc đang trở nên mờ nhạt chỉ vì lòng thương người luôn bị thách thức, thậm chí đùa cợt bởi tình trạng người ăn xin thật giả lẫn lộn mà giả lại thường sinh sôi nhiều.
Phải tìm câu trả lời cho vấn đề xã hội này ở đâu?
Bình luận (0)