Thôn Mỹ Lai, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi được biết đến với tên gọi “làng thảm sát” bởi nơi đây từng xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng gây chấn động thế giới khi lính Mỹ giết hại 504 thường dân vô tội vào ngày 16-3-1968. 48 năm trôi qua, làng Mỹ Lai giờ đây đã có nhiều đổi thay, phát triển. Nhiều người lính trực tiếp tham gia cuộc bắn giết năm nào hay những người chỉ biết đến vụ thảm sát qua sách vở đã cùng hướng về Mỹ Lai, ươm mầm cho những ước mơ. Trong đó, lớp học tiếng Anh của chàng rể người Pháp ở làng Mỹ Lai để lại nhiều cảm xúc với những người từng đến nơi này.
Vơi hẳn nỗi đau
“Lớp học ông Tây” là tên gọi thân thương của người dân thôn Mỹ Lai khi nói về lớp học do “thầy giáo làng” có tên Bruno Cerignat - một người đàn ông mang quốc tịch Pháp, 52 tuổi - giảng dạy.
Bruno là chàng rể ở xã Tịnh Khê, đã định cư ở Việt Nam được 7 năm. Dù nhận được rất nhiều lời mời giảng dạy khác nhau từ các trung tâm ngoại ngữ nhưng ông đã từ chối, chỉ chấp nhận ở nhà dạy tiếng Anh miễn phí cho những đứa trẻ nghèo vùng quê Mỹ Lai.
Lớp học của ông Bruno cũng hết sức đặc biệt. Phần lớn học sinh là con cháu của những nông dân nghèo ở làng quê Mỹ Lai. Các em không có điều kiện được học hành ở những phố thị có nhiều trung tâm ngoại ngữ.
Gọi lớp học nhưng thực ra nó chỉ được tổ chức đơn giản tại nhà cô Cao Thị Bích Lựu, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê. Hằng ngày, ông Bruno chạy xe đạp hoặc đi bộ đến nhà cô Lựu tham gia dạy các em cách phát âm, giao tiếp bằng tiếng Anh với người bản ngữ. Riêng “phần cứng” ngữ pháp do cô Lựu đảm trách.
“Lớp học có gần 50 học sinh đủ mọi lứa tuổi, đa phần là con em của người dân xung quanh. Sau những phần học ngữ pháp tiếng Anh tại nhà tôi, các em được tham gia câu lạc bộ tiếng Anh miễn phí do ông Bruno tổ chức tại sân Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê” - cô giáo Cao Thị Bích Lựu cho biết.
Tại sân Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê, các em thường được tham gia trò chơi bằng tiếng Anh, nói tiếng Anh do ông Bruno đảm trách. Riêng trong hè 2016 này, cô Lựu cùng ông Bruno không dạy gộp chung mà tổ chức riêng làm 3 lớp tiếng Anh, mỗi lớp 12-16 học sinh, học 3 buổi/tuần. Các em chủ yếu là học sinh đang học lớp 3, 4 và 5.
“Dù công việc khá vất vả nhưng cứ một tuần 3 buổi, ông Bruno không bao giờ vắng buổi nào. Ông cứ đến lớp đều đặn như vậy hơn 1 năm qua. Mỗi buổi học với Bruno, học sinh vô cùng thích thú, không thiếu vắng bất kỳ em nào” - cô Lựu khẳng định.
Chứng kiến lớp học do một “ông Tây” giảng dạy, nhiều người dân thôn Mỹ Lai và lân cận không khỏi xúc động. Chính sự nhiệt tình, chân thành hết mực vì những đứa trẻ làng Mỹ Lai của ông Bruno đã làm cho họ vơi hẳn nỗi đau mất người thân trong vụ thảm sát năm xưa.
“Ở những làng quê nghèo như Mỹ Lai này, đa số trẻ em không được học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ. Bởi vậy, có được sự giúp đỡ của ông Bruno, các cháu có thêm động lực học hành, yêu thích môn tiếng Anh hơn. Những bậc làm cha, làm mẹ như chúng tôi cảm kích vô cùng” - ông Nguyễn Tâm, người dân thôn Mỹ Lai, bày tỏ.
Quê hương thứ hai
Không phải ngẫu nhiên mà ông Bruno chọn thôn Mỹ Lai là điểm dừng chân để truyền đạt kiến thức cho các học sinh nghèo ở “làng thảm sát”. Với các em, thầy Bruno đã mang đến “chìa khóa để mở ra cánh cửa tri thức, hội nhập” là tiếng Anh. Còn với Bruno, chìa khóa mang “ông Tây” chính hiệu đến gắn bó với mảnh đất Sơn Mỹ chính là tình yêu.
Mối nhân duyên của Bruno và chị Nguyễn Kiều Chinh (quê xã Tịnh Khê) đã trở thành động lực khiến ông từ bỏ công việc đang ổn định ở Pháp để trở thành một cư dân thứ thiệt ở “làng thảm sát”. Kể về những ngày đầu quen biết chị Chinh, Bruno vẫn còn vẹn nguyên ấn tượng về cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, đáng yêu ở trọ cùng xóm với ông tại TP HCM. Những tưởng cảm xúc dành cho cô gái ấy sẽ phai nhạt khi Bruno trải qua 1 năm đi du lịch xuyên Việt. Thế nhưng, định mệnh đã gắn kết 2 người khi họ tình cờ gặp lại nhau ở Đà Nẵng.
Trong thời gian yêu nhau, Bruno lần đầu tiên được trải nghiệm cuộc sống ở Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê - nơi gia đình chị Chinh đang sinh sống. Tiếp xúc và chuyện trò với những người từng mang nặng nỗi đau chiến tranh, ông dần thấu hiểu và mong muốn gắn bó với mảnh đất này. Chỉ một năm sau đó, Bruno quyết định rời nước Pháp để được định cư lâu dài ở quê vợ.
Qua 7 năm có mặt ở Tịnh Khê, ông Bruno được người dân trong vùng xem là một cư dân Sơn Mỹ chính hiệu bởi lối sống gần gũi và những việc làm ý nghĩa mà ông thực hiện mỗi ngày. Còn với Bruno, từ lúc bước chân đến đây lần đầu tiên, ông đã xem Sơn Mỹ như quê hương thứ hai của mình.
Lớp học tiếng Anh cho các học sinh nghèo là một trong những cách mà Bruno thể hiện tình yêu đối với quê hương thứ hai. Không dạy ngữ pháp theo lối mòn, trong mỗi tiết học, ông đã giúp các em có thêm kiến thức về kỹ năng nghe, nói, giao tiếp thông qua những trò chơi, bài hát vô cùng sinh động.
“Tôi biết cách dạy của mình không hề mới mà nhiều trung tâm ngoại ngữ đã áp dụng từ lâu. Thế nhưng, muốn học các lớp như vậy thì phải mất rất nhiều tiền. Trong khi đó, tôi có thể giúp các gia đình ở đây tiết kiệm một khoản mà con em họ vẫn được học tiếng Anh. Xã Tịnh Khê còn nhiều trẻ em nghèo. Tôi muốn học sinh Tịnh Khê được học tiếng Anh thuận lợi như học sinh ở các thành phố lớn của Việt Nam mà không phải mất tiền” - ông Bruno bộc bạch.
Theo học lớp của “ông Tây”, nhiều em đã thoát khỏi tâm lý rụt rè khi nói tiếng Anh hay khi có dịp tiếp xúc với người nước ngoài. Cũng từ lớp học này, một số em đã bước đầu có thành tích khi tham gia các kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp trường, thành phố và tỉnh. Đó là niềm vui của chàng rể Pháp khi đóng góp một phần kiến thức, công sức của mình cho Tịnh Khê. Bruno mong muốn mình được là một phần của mảnh đất mà từ lâu ông đã xem là quê hương thứ hai.
“Một người tuyệt vời”
Ông Trương Thanh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, cho biết đa phần những học sinh ở Tịnh Khê là con em của bà con nông dân nghèo khó, không có điều kiện học hành chu đáo.
“Tịnh Khê vốn chịu rất nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Thế nhưng giờ đây, những đau thương, mất mát đó đã phần nào được nguôi ngoai bởi các hành động thiết thực, có ý nghĩa to lớn, như việc mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh của Bruno. Anh ấy là một người tuyệt vời” - ông Thảo nhìn nhận.
Bình luận (0)