Tính đến chiều 1-12, mưa lũ tại tỉnh Bình Định đã làm 2 người chết, 1 người mất tích và nhiều người bị thương.
20.000 học sinh phải nghỉ học
Trường hợp thiệt mạng đầu tiên là anh Phan Hồng Kiệt (SN 1984; ngụ xã An Hòa, huyện An Lão), tử vong chiều 30-11 do trượt chân ngã xuống ao cá trong vườn khi lũ đang lên. Còn thi thể em Trần Thị Lệ Thủy (học sinh lớp 8; ngụ thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) hiện vẫn chưa tìm thấy. Chiều 30-11, Thủy trượt chân ngã xuống sông Kôn khi đi qua cầu bắc qua sông này.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, mưa lũ làm cho Tỉnh lộ 629 và nhiều tuyến đường dẫn đến các xã vùng cao của huyện này tiếp tục bị chia cắt. Ba thôn Vạn Long, Vạn Khánh, Trà Cong và một phần thôn Vạn Xuân thuộc xã An Hòa chìm sâu trong lũ.
Tại huyện Tuy Phước, hiện nhiều xã như Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Lộc, Phước An bị ngập úng cục bộ. Nước lũ chia cắt nhiều tuyến đường khiến việc đi lại gặp khó khăn. Gần 20.000 học sinh của 29 trường học trên địa bàn phải nghỉ học.
Tại TP Quy Nhơn, chiều 1-12, lũ trên sông Hà Thanh ồ ạt đổ về gây ngập lụt cho các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu. Trong đó, nhiều khu dân cư nằm ở vùng trũng đã bị nước lũ tràn vào nhà, một số nơi bị chia cắt do đường bị ngập nước.
Ở huyện Hoài Ân có 1.600 ngôi nhà và 1.200 giếng nước bị ngập, 1.050 gia cầm bị trôi. Ở huyện Hoài Nhơn có 2.036 ha lúa ngập úng; 50 ngôi nhà bị ngập. Hàng ngàn hecta lúa vừa gieo sạ ở các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và TP Quy Nhơn có nguy cơ mất trắng.
Lý Sơn bị cô lập dài ngày
Ngày 1-12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết tại huyện Tư Nghĩa có 135 hộ dân ở xã Nghĩa Mỹ và thị trấn Sông Vệ bị nước ngập hơn 1 m. Huyện Nghĩa Hành có 325 hộ dân bị ngập. Mưa lũ cũng đã làm 1 người mất tích là ông Nguyễn Đức Trọng (ngụ huyện Sơn Tịnh) bị nước lũ cuốn trôi khi lội qua suối.
Tuyến vận tải từ cảng Sa Kỳ đi đảo Lý Sơn phải tạm ngưng hoạt động khiến Lý Sơn bị cô lập trong 5 ngày qua làm nhiều hành khách bị kẹt ở 2 đầu bến, hàng trăm tấn hàng hóa thiết yếu từ đất liền chở ra đảo cũng đang phải chuyển xuống các tàu hàng để kịp thời chuyển ra đảo khi biển êm.
Xả lũ không báo trước
Nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè dọc sông Tam Kỳ qua TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành của tỉnh Quảng Nam bức xúc việc hồ Phú Ninh xả lũ không thông báo khiến họ bị thiệt hại nặng.
Ông Ung Tấn Lịch (60 tuổi; ngụ thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) cho biết thường khi hồ Phú Ninh xả lũ, gia đình ông sẽ được thông báo từ sớm để chủ động ứng phó nhưng đợt mưa lũ này gia đình hoàn toàn không hề biết gì cho đến khi thấy nước sông dâng nhanh và chảy xiết thì đoán là do hồ xả lũ. Trong sáng 1-12, gia đình ông Lịch phải dầm mưa gấp rút vớt hơn 1 tấn cá bán tống bán tháo cho thương lái với nửa giá so với thông thường, tính ra thiệt hại khoảng vài trăm triệu đồng.
Trưa 1-12, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ đoạn qua phường An Sơn (TP Tam Kỳ) cũng tập trung giúp anh Vương Thành Trung (ngụ phường An Sơn) dùng dây thừng níu giữ lồng bè bị trôi ra giữa sông. Anh Trung cho biết sáng 1-12, nước từ sông Tam Kỳ chảy về rất lớn khiến toàn bộ 30 lồng bè của gia đình anh trôi ra giữa sông, gây thiệt hại nặng. Anh Trung cũng cho rằng nước lớn như thế này chắc chắn do hồ Phú Ninh xả lũ nhưng anh và các hộ nuôi cá ở gần đó không hề nhận được thông báo xả lũ nên mới bị thiệt hại nặng như vậy.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1, cho biết hồ Phú Ninh xả lũ từ 7 giờ ngày 1-12 nhưng đến 9 giờ cùng ngày, địa phương mới nhận được thông báo, sau đó mới đi thông báo lại cho dân. Ông Đỗ Văn Minh, Trưởng Phòng Kinh tế TP Tam Kỳ, cũng cho biết 9 giờ ngày 1-12 mới nhận được thông báo xả lũ từ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam (Công ty Thủy lợi Quảng Nam) - đơn vị quản lý hồ Phú Ninh.
Tuy nhiên, theo văn bản mà ông Minh cung cấp cho chúng tôi thì thông báo của Công ty Thủy lợi Quảng Nam ký lúc 19 giờ ngày 30-11, thông báo cho biết tại lưu vực hồ Phú Ninh có lượng mưa khoảng 171 mm khiến mực nước hồ tăng nhanh nên công ty tiến hành điều tiết tăng lưu lượng xả lũ hồ Phú Ninh qua tràn sâu. Thời gian xả từ 7 giờ ngày 1-12 cho đến khi có thông báo mới, lưu lượng xả khoảng từ 180 m3/giây đến 600 m3/giây.
Giải thích vấn đề này, ông Minh cho biết Công ty Thủy lợi Quảng Nam gửi thông báo vào trang nội bộ chứ không điện thoại báo cho các địa phương nên địa phương không biết.
“Chúng tôi mới ký quy chế phối hợp xả lũ vào ngày hôm qua. Đáng ra, khi thông báo xả lũ thì phải gọi điện chứ đưa lên trang nội bộ ai mà biết. Nói chung là giữa các bên đã phối hợp không tốt với nhau” - ông Minh nói. Ông cho biết địa phương chưa ghi nhận thiệt hại từ các hộ dân và sẽ cho kiểm tra thông tin về việc các lồng bè bị trôi.
Sẽ còn mưa rất to
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ nay đến ngày 3-12, từ Đà Nẵng đến Bình Định có mưa to đến rất to; cảnh báo tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục xảy ra tại các huyện: Ba Tơ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Minh Long (Quảng Ngãi); An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn (Bình Định). Nguy cơ cao lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết tối 1-12, thủy điện Sông Hinh đã xả lũ với lưu lượng 2.000 m3/giây. Hiện thủy điện Sông Ba Hạ chưa xả lũ, thủy điện Krông H’Năng đang xả lũ với lưu lượng 100 m3/giây. Có thể sáng 2-12, thủy điện Sông Ba Hạ sẽ xả lũ. Nếu các thủy điện trên cùng xả lũ thì nhiều vùng hạ lưu sông Ba thuộc huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên sẽ ngập. Ng.Thế - H.Ánh
Bình luận (0)