Theo tin mới nhất từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung- Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), đến 8 giờ ngày 17-11, mực nước các sông trên địa bàn bắt đầu xuống nhưng chậm và vẫn còn trên mức báo động 2.
Dự báo, đến tối cùng ngày, các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bắc Khánh Hòa tiếp tục xuống mức báo động 1. Hiện nay, mực nước ở các tỉnh cũng xuống nhưng vẫn còn nặng.
Trong đó tại Quảng Nam, các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và TP Hội An ngập trên diện rộng. Hiện vùng ngập đã giảm khá nhiều, còn ngập những vùng thấp trũng hạ du sông Thu Bồn.
Tại Quảng Ngãi, hơn 40 xã tại lưu vực các sông: Sông Vệ, Trà Khúc, Trà Câu, Trà Bồng trên địa bàn các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi, Đức Phổ, Bình Sơn ngập sâu, nhiều địa phương bị cô lập. Hiện hạ du sông Vệ, sông Trà Câu còn ngập, các khu vực khác giao thông đã trở lại bình thường.
Theo báo cáo, trong những ngày qua, do có mưa lớn, mực nước các hồ chứa từ Quảng Nam đến Bình Định lên nhanh nên có 15 hồ chứa thủy lợi đã tiến hành xả tràn với lưu lượng lớn từ 30-600 m3/giây, trong đó 5 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 100m3/giây.
Chính việc mưa to cùng với việc xả lũ tại các hồ thủy lợi, thủy điện đã khiến cho người dân vùng hạ du trở tay không kịp nên dẫn đến số người thương vong trong đợt lũ này rất lớn: 50 người.
Trong đó, 24 người chết (Quảng Nam 2, Quảng Ngãi 8, Bình Định 12, Kom Tum 1, Gia Lai 1), 10 người mất tích (Quảng Nam 1, Quảng Ngãi 4, Bình Định 2, Phú Yên 1, Khánh Hoà 1, Gia Lai 1) và 16 người bị thương (Quảng Ngãi 15, Bình Định 1).
Trong khi đó, thiệt hại về tài sản do lũ lụt cũng rất lớn. Đã có 53 nhà đổ, sập, trôi (Quảng Ngãi 32, Bình Định 6, Phú Yên 14, Khánh Hoà 1); 166 nhà tốc mái (Quảng Ngãi 82, Bình Định 84) và trên 200.000 nhà nhà bị ngập. Thiệt hại về nông nghiệp cũng rất lớn, 1.062 ha diện tích lúa và 691 ha diện tích hoa màu bị bị úng ngập, hư hỏng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, nơi bị lũ nhất chìm hàng ngàn hộ dân trong đợt lũ này, cho rằng thông tin về việc các thủy lợi, thủy điện đến với chính quyền huyện Hòa Vang quá chậm khiến hàng ngàn hộ dân không kịp trở tay. Vì thế, khi nước tràn vào nhà, toàn bộ gia cầm, gia súc, lương thực ướt hết, không kịp di dời
“Đến sáng 16-11, khi nước lũ dâng cao ngập vào nhà dân hết rồi, chính quyền huyện Hòa Vang mới tiếp nhận thông tin các thủy điện xả lũ, lúc này thì đã muộn“ - ông Trường cho biết.
Di dời trên 80.000 dân tránh lũ
Trong đợt lũ này, các tỉnh, thành từ Quảng Nam đến Phú Yên đã tiến hành sơ tán 19.349 hộ/ 78.395 người từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp, có nguy cơ bị ngập sâu. Cụ thể: Quảng Nam 1.313 hộ/ 4.355 người; Quảng Ngãi 16.405 hộ/ 66.961 người; Bình Định 220 hộ (chưa có đủ số liệu); Phú Yên 1.411 hộ/ 7.079 người. Riêng Đà Nẵng đã di dời trên 1.800 hộ dân với hơn 4.800 người đến nơi an toàn. |
Bình luận (0)