Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Gia Lai và Kon Tum đã có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Gia Lai và Kon Tum đang lên nhanh, riêng các sông ở Quảng Ngãi và Kon Tum đang ở mức cao. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các địa phương trên.
Mưa lớn làm Quốc lộ 1A (đoạn đi qua huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị ngập nước. Ảnh: XUÂN LONG
Chống lũ theo cấp báo động
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết đã hướng dẫn cho 40.441 tàu/192.983 lao động biết vị trí diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ để chủ động phòng tránh. |
Dự báo chiều 15-11, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,4 - 15,4 độ vĩ Bắc; 107,2 - 108,2 độ kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió Đông Bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, vùng biển ngoài khơi các địa phương từ Quảng Trị - Bình Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7; giật cấp 8, cấp 9. Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam và sẽ tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ có mưa vài nơi; các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện gửi các tỉnh, thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Theo đó, yêu cầu các địa phương này triển khai các phương án chống lũ theo cấp báo động; kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn các hồ chứa, an toàn cho hạ du; bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực đường bị ngập, bến đò, đường ngầm; hướng dẫn người, phương tiện qua lại để bảo đảm an toàn. Đối với những vùng có nguy cơ bị chia cắt, khẩn trương bổ sung lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết khác để đề phòng bị chia cắt dài ngày; chủ động sơ tán dân ở những nơi có nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu...
Quảng Nam xả lũ hồ Phú Ninh
Liên tục trong nhiều ngày qua, tỉnh Quảng Nam có mưa phổ biến ở mức trên 150 mm. Tuyến đường độc đạo DT616 lên các xã vùng cao Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Giác, Trà Giáp và Trà Ka của hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My bị chia cắt hoàn toàn. Toàn bộ hệ thống điện lưới bị gián đoạn, hàng chục xe tải vận chuyển vật liệu phục vụ thi công công trình thủy điện sông Tranh 2 và xây dựng cơ bản của huyện Nam Trà My bị mắc kẹt.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, cho biết sáng 14-11, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã chỉ đạo xả lũ hồ Phú Ninh. Theo ông Tuấn, trước khi xả lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh và Ban Vận hành hồ Phú Ninh đã thông báo rộng rãi đến vùng hạ lưu, phối hợp với chính quyền địa phương di tản dân cư khỏi những vùng có nguy cơ ngập lụt.
Hiện nay, hầu hết phương tiện tàu thuyền của Quảng Nam vào nơi trú ẩn an toàn, còn một phương tiện đánh bắt xa bờ số hiệu QNa 90345 cùng 28 thuyền viên do ông Trần Công Kỳ (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng vẫn còn ở ngoài khơi khu vực Đảo Đá Tây, quần đảo Trường Sa.
Quảng Ngãi di dời khẩn cấp 456 hộ dân
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, đêm 13 và ngày 14-11, tỉnh Quảng Ngãi có mưa to, mực nước ở các sông lớn trong tỉnh đều ở mức báo động 3, gây ngập lụt trên diện rộng ở các huyện đồng bằng và ách tắc giao thông ở các huyện miền núi. Các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương di dời 456 hộ dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Quốc lộ 1A (đoạn đi qua huyện Bình Sơn) có 4 điểm bị ngập nước làm hàng trăm ô tô mắc kẹt. Mưa lũ cũng đã làm nhiều tuyến đường ở Khu Kinh tế Dung Quất bị chia cắt và ngập sâu. Nhiều đơn vị đóng trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất đang ngập chìm trong nước. |
Bình luận (0)