Những ngày qua, hàng trăm hộ dân thôn Thượng Sơn và Trung Sơn, xã Tây Thuận như ngồi trên lửa bởi toàn bộ diện tích lúa vụ hè thu 2016 có nguy cơ hỏng hoàn toàn do thiếu nước tưới.
Đứng bên 2 sào ruộng lúa đang kỳ làm đòng của mình, ông Nguyễn Văn Hiếu (ngụ thôn Thượng Sơn) thở dài: “Cái ăn của gia đình bao năm qua đều dựa vào diện tích ruộng này. Hiện lúa chuẩn bị trổ bông nhưng do thiếu nước nên có nguy cơ bị lép hạt. Hỏng mùa lúa này thì cả nhà phải chạy gạo từng bữa”.
Không riêng gì diện tích lúa nhà ông Hiếu, hiện hầu hết 150 ha lúa của người dân xã Tây Thuận đều trong tình trạng tương tự. Ông Hồ Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, cho biết lúa vụ hè thu của người dân sắp bị chết cháy nếu không có nước kịp thời. Ruộng đồng ở đây phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước từ thủy điện An Khê - Kanak đổ về suối Cát. Thế nhưng, cuối tháng 5-2016 đến nay, thủy điện này bất ngờ cắt nước, phần lớn diện tích lúa đã bị khô. Nếu trổ bông trong thời điểm này thì hầu hết sẽ bị lép hạt. UBND xã đã chỉ đạo cho HTX Nông nghiệp Tây Thuận nạo vét lòng suối Cát để lấy nước cứu lúa nhưng lòng suối cũng đã cạn khô.
“Thấy dân sắp mất cả mùa lúa, vào đầu tháng 6-2016, tôi đã nhiều lần đề nghị Thủy điện An Khê - Kanak xả nước nhưng họ cương quyết không đồng ý. Cũng may là mấy ngày qua ở địa phương có vài cơn mưa nên cây lúa còn cầm cự được đến giờ này. Dự kiến trong 10 ngày nữa, nếu thủy điện không xả nước và trời không mưa thì toàn bộ diện tích lúa trên sẽ bị chết cháy” - ông Khanh lo lắng.
Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, một lãnh đạo của thủy điện An Khê - Kanak cho rằng thủy điện này cắt nước là do việc điều tiết nước không nằm trong… kế hoạch. “Theo công văn của Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), kế hoạch điều tiết nước cho suối Cát chỉ đến cuối tháng 5-2016 nên khi hết thời hạn này, chúng tôi phải dừng” - vị lãnh đạo này nói.
Theo ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, UBND huyện vừa gửi văn bản đến Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định xem xét và có ý kiến với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chỉ đạo Công ty Thủy điện An Khê - Kanak hỗ trợ nước chống hạn cho toàn bộ diện tích lúa trên ở xã Tây Thuận. Cụ thể, thủy điện phải xả thêm 6 đợt nước tưới nữa, mỗi đợt ít nhất 5 ngày, để người dân có đủ thời gian đưa nước vào ruộng chống hạn cho cây lúa.
Mưa: Xả nước gây ngập. Nắng: Tích nước gây hạn
Đây không phải lần đầu người dân tại địa phương này khổ với thủy điện An Khê - Kanak. Từ nhiều năm qua, cứ vào mùa mưa, thủy điện lại xả nước làm ngập úng hoa màu nhưng vào mùa khô lại tích nước gây khô hạn cho diện tích lúa toàn vùng. Gần đây nhất là vào đầu năm 2016, thủy điện này cũng khiến hàng trăm hộ dân xã Tây Thuận “mất ăn mất ngủ” vì bất ngờ cắt nước trong vụ lúa đông xuân khiến 150 ha lúa trong giai đoạn làm đòng suýt bị chết. Mãi đến khi UBND tỉnh Bình Định kiến nghị với Bộ
NN-PTNT thì thủy điện An Khê - Kanak mới chịu xả nước chống hạn.
Bình luận (0)