xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lúa, rau đã phủ xanh vùng lũ

Bài và ảnh: TUẤN MINH

Nhờ nhà nước hỗ trợ và sự chung tay của toàn xã hội, Tết ở vùng lũ huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa không rộn ràng nhưng đầy lạc quan

Do đợt lũ lụt lịch sử vào tháng 10-2013, người dân huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đón một cái Tết Giáp Ngọ không được trọn vẹn. Dù vậy, trong những ngày đầu năm mới, trở lại vùng đất này, chúng tôi nhận thấy màu xanh của lúa, rau đã phủ kín những diện tích đất trước đây chìm trong nước. Vùng đất lũ đang được hồi sinh…

“Lũ đã lấy mất Tết rồi còn gì…”

Đó là câu nói nghe buồn rười rượi của ông Lê Văn Minh, ngụ thôn 4, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia - một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất bởi trận lũ cách đây 4 tháng. Nhìn căn nhà lợp tranh chỉ có 1 cái bàn và mấy ghế nhựa của gia đình ông Minh, chúng tôi biết rằng năm nay, người dân nơi đây vất vả đến nhường nào. Thấy nhà vắng, hỏi thăm thì được biết vợ con ông Minh đã ra đồng cấy thuê. “Tết vừa rồi, nếu không có mấy chục cân gạo cứu đói của nhà nước thì không biết lấy gì mà ăn” - ông Minh cho biết.

Mới mùng 3 Tết, người dân vùng lũ Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã ra đồng giặm lúa
Mới mùng 3 Tết, người dân vùng lũ Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã ra đồng giặm lúa

Ông Lê Thế Dũng, trưởng thôn 4, xã Tân Trường, cho biết trong trận lũ lịch sử vừa rồi, toàn thôn có 133 hộ thì tất cả đều chìm trong nước, rất nhiều hộ rơi vào cảnh đói ăn triền miên. Trong mâm cơm đãi khách ngày Tết của gia đình ông Dũng cũng đạm bạc như ngày thường khi chỉ có mấy lát bánh chưng, bát thịt đông, ít rau xanh… “Vậy là sang lắm rồi, nhiều nhà không được như thế này đâu” - ông Dũng nói.

Mọi năm không có tiền thì gia đình ông Nguyễn Khắc Mùi (ngụ thôn Thế Vinh, xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia) bán gà, bán lợn sắm Tết nhưng đợt lũ vừa rồi đã cuốn chúng đi sạch. “Người ta nói Tết là dịp gia đình quây quần bên nhau đón mùa Xuân mới, dù khó khăn đến mấy thì cũng phải cố gắng có mâm cỗ cúng gia tiên. Nhà tôi có 2 đứa lớn đang ở trong Nam, Tết này cũng không về. Chúng nó gọi điện về mà tôi ứa cả nước mắt vì không có gì để bán mà gửi tiền vào cho con” - ông Mùi buồn hiu.

Thở hắt ra, ông Mùi nói: “Rất may là thời tiết đang ấm dần lên nên người dân đã tranh thủ xuống đồng sớm để gieo cấy. Mong năm nay trời không giáng tai ương...”.

Cũng bị lũ cướp đi nhiều tài sản và đón Tết không sang gì so với hàng xóm láng giềng nhưng bà Lê Thị Hạnh (ngụ thôn 4, xã Tân Trường) rất vui vẻ. Khoe với chúng tôi chiếc tủ gỗ bị hư hỏng do lũ đã được đắp lại bằng

xi-măng, bà Hạnh cho biết năm nay dù rất khó khăn nhưng 2 đứa con đi làm ăn xa vẫn kịp về ăn Tết với gia đình. “Dù không có mâm cao cỗ đầy như mọi năm nhưng sau những gì đã xảy ra, Tết năm nay như thế là quá vui rồi!” - bà Hạnh hồ hởi.

Cánh đồng vui hơn Tết

Trái ngược với không khí đìu hiu, ảm đạm trong những ngôi nhà thiếu Tết, các cánh đồng của vùng rốn lũ vui tươi hơn bởi nhiều người dân ra chăm chút cho ruộng lúa... Men theo con đường với hai bên là hàng chuối tơi tả do lũ đang nhú đọt xanh, chúng tôi ra thăm những đồng lúa ở xã Tân Trường.  Đang tháo nước vào thửa ruộng vừa mới cấy xong, ông Lê Minh Huệ (ngụ thôn 4, xã Tân Trường) nói: “Cách đây mấy tháng, lúa ở thửa ruộng này chưa kịp thu hoạch đã chìm trong biển nước. Sau khi nước rút, được địa phương hỗ trợ giống, nay lúa đã mọc xanh trở lại”.

Chiếc tủ được tân trang để đón Tết của gia đình bà Lê Thị Hạnh
Chiếc tủ được tân trang để đón Tết của gia đình bà Lê Thị Hạnh

Hỏi thăm chuyện Tết nhất, ông Huệ  thở dài: “Đợt lũ hồi tháng 10-2013 đã cuốn trôi tất cả, từ hạt thóc cho đến con lợn, con gà nên năm nay xem như không có Tết”. Đã vậy, Tết càng buồn hơn khi 3 đứa con ông đi làm ăn trong miền Nam cũng không về. “Mấy đứa nói kinh tế năm nay khó khăn, nghỉ suốt nên đồng lương rất eo hẹp, nếu 2 vợ chồng về ăn Tết phải mất cả chục triệu đồng nên tôi phải nói dối với các con là ở nhà Tết vẫn đầy đủ, vui vẻ lắm để chúng nó ở xa không phải lo nghĩ” - ông Huệ nói.

Theo ông Nguyễn Trọng Năm, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, để ổn định cuộc sống cho người dân, ngay sau Tết Nguyên đán, địa phương đã phát động bà con nhanh chóng xuống đồng khi thời tiết đang thuận lợi. “Trong vụ xuân hè này, địa phương đã tạo mọi điều kiện, từ hỗ trợ giống lúa, con giống, công cày bừa… để người dân xuống đồng được thuận lợi nhất. Đến nay, hầu hết các diện tích trước đây bị nước lũ nhấn chìm đã được gieo cấy gần như kín 100%” - ông Năm cho biết. 

 

Gần 4,5 tấn gạo cứu đói

Ông Lê Minh Hậu, cán bộ văn phòng xã Tân Trường, cho biết trước Tết Giáp Ngọ 2014, Đảng ủy, UBND xã đã xuống các thôn bị thiệt hại nặng trong đợt lũ hồi tháng 10-2013 để động viên bà con. Với phương châm không được để một hộ dân nào không có Tết, chính quyền xã Tân Trường đã phát gần 4,5 tấn gạo cứu trợ. “Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian trong những ngày Tết như đẩy gậy, kéo co, đánh bóng chuyền… để người dân có chỗ vui chơi, quên đi những ngày tháng gian khó” - ông Hậu nói.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo