Những ngày đầu tháng 9-2015, giá xăng dầu tiếp tục giảm. Nhớ lại hồi năm 2014, khi giảm giá xăng dầu, mọi người ai cũng hy vọng kinh tế đất nước có cơ hội tăng trưởng tốt, thu ngân sách từ nguồn khai thác dầu khí tuy giảm nhưng sản xuất dịch vụ sẽ phát triển do chi phí vận tải giảm. Thế nhưng, chuyện giảm giá cước vận tải theo các phép tính đơn giản không phải cho ra kết quả như mong đợi. Liệu có điều gì bất cập trong quản lý giá cước vận tải, nói rộng ra là quản lý giá, quản lý các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước khi chuyển sang nền kinh tế thị trường?
Kinh tế thị trường đã xuất hiện và phát triển ổn định trên thế giới từ khá lâu dựa trên hệ thống các quy luật vốn có như cạnh tranh, cung cầu… và được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật cụ thể ở từng giai đoạn, từng nước. Những năm qua, ngành GTVT Việt Nam phát triển mạnh, tăng 200% nhu cầu vận chuyển chỉ trong 15 năm. Cùng lúc, các doanh nghiệp vận tải - đa số là tư nhân - cũng đua nhau phát triển và tất nhiên đều hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật, hệ thống pháp lý chuyên về GTVT, kể cả lương tâm nghề nghiệp, đều chưa theo kịp sự phát triển “nóng” của ngành. Như vậy, việc khó giảm giá cước vận tải cũng như giá cước taxi cao nhất khu vực có nguyên nhân chính là do cung - cầu mất cân bằng, do cạnh tranh méo mó và do quản lý nhà nước về vận tải còn đơn giản, vừa xơ cứng vừa buông lỏng.
Đáng chú ý, về pháp luật quản lý giá cước vận tải của Việt Nam hiện nay, chúng ta có Luật Giá năm 2012, Nghị định 177/2013 của Chính phủ và Thông tư 56/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành. Trong các quy định hiện hành, vận tải đường bộ không phải là dịch vụ nằm trong danh sách bình ổn giá phải đăng ký giá, phải được nhà nước định giá mà là dịch vụ chỉ cần kê khai niêm yết giá, được kiểm tra các yếu tố hình thành giá trong trường hợp biến động giá. Có rất ít nội dung cụ thể được đề cập cho yêu cầu quản lý giá của nhà nước khi các kịch bản biến động thực tế thường xảy ra trong nền kinh tế thị trường, như chuyện tăng - giảm giá xăng dầu liên tục vừa rồi. Thông tư liên tịch 152/2014 của 2 bộ Tài chính và GTVT cũng không bám sát thực tiễn, không sáng tạo gì so với luật, nghị định. Và hoạt động thanh - kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở việc buộc kê khai niêm yết, nhắc nhở, phạt chiếu lệ. Làm vậy thì chắc chắn không giải quyết được tận cùng vấn đề giá cước vận tải đường bộ.
Đã đến lúc 2 bộ GTVT, Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh Luật Giá cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn. Bộ GTVT cũng nên xem lại chiến lược phát triển ngành, đừng để phương tiện tăng ồ ạt trong khi giá thì ngày càng đắt.
Bình luận (0)