Ngày 13-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) ví von việc cấp giấy chứng nhận đầu tư giống như cho phép đến nhà, vào cửa nhưng khi lên các tầng trên lại gặp rất nhiều khó khăn như thủ tục về đất đai, môi trường… mà trong luật không thấy sửa đổi.
ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề xuất bổ sung quy định việc thẩm định năng lực nhà đầu tư và chỉ nên ưu đãi đầu tư đối với sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, dịch vụ bảo vệ môi trường, công ích...
Cho rằng dự luật vẫn còn “dàn hàng ngang mà ưu đãi” với mọi địa phương, vùng - miền, ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM), Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề nghị chú ý đến các địa phương có khả năng đóng vai trò động lực phát triển; các lĩnh vực phát triển sản xuất nguyên vật liệu nội địa, tiêu thụ nội địa… ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) ủng hộ chủ trương áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn khó khăn nhưng cho rằng “đừng trải thảm đỏ cho nhà đầu tư mà bắt dân đi trên thảm gai”.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, ông Nguyễn Đình Quyền, phát biểu: “Đạo luật như thế này thì làm sao nhà đầu tư yên tâm được. Đây là đạo luật thiếu minh bạch nhất. Hành vi cấm, nghĩa vụ cứ chung chung “theo quy định của pháp luật” mà pháp luật ở ta thì cả rừng, từ cấp xã đã ban hành văn bản”.
l Chiều cùng ngày, QH thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Một số ĐB đề nghị mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác và giúp người được lấy phiếu có điều kiện điều chỉnh lại mình. Ngoài ra nên duy trì 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. “Lấy phiếu tín nhiệm theo như dự thảo là một hình thức thăm dò, một hình thức sinh hoạt của QH. Như vậy, mục đích của bỏ phiếu tín nhiệm và lấy phiếu tín nhiệm khác nhau. Chúng ta đưa 2 hoạt động này vào một dự thảo nghị quyết thì có cảm giác rằng nghị quyết này không phù hợp với Hiến pháp” - ĐB Trần Văn Độ (An Giang), Chánh án Tòa án Quân sự trung ương, nói. ĐB Độ cũng đề nghị QH ra nghị quyết riêng về lấy phiếu tín nhiệm; riêng việc bỏ phiếu tín nhiệm như Hiến pháp quy định phải đưa vào Luật Giám sát hoạt động của QH.
l Cũng trong chiều 13-6, với 412/428 ĐB tán thành, QH cũng đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế.
Bình luận (0)