Chúng ta đã có quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức... Quy chế này đem lại hy vọng sẽ hạn chế và tiến đến xóa bỏ tệ quà cáp, phong bì vốn bị lên án đã nhiều từ trước đến nay.
Cũng theo báo cáo nói trên, TP nhận định tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp; thực chất việc tặng quà để được việc, nhận quà biếu có tính chất hối lộ vẫn ngấm ngầm diễn ra rất khó phát hiện, khó định giá quà tặng nào là vi phạm, do đó không thể giám sát được ai nhận quà sai quy định mà không nộp lại để xử lý. TP HCM cùng cả nước đang tích cực cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, ở những lĩnh vực “màu mỡ” vẫn còn vận hành mù mờ theo cơ chế xin - cho và khó có thể tránh khỏi nạn hối lộ, vòi vĩnh, tham nhũng.
Hầu như các nước trên thế giới đều đã tiên liệu, ý thức rất sớm về tệ tặng quà cáp, phong bì có nguy cơ làm méo mó hành vi của công chức trong thực thi công vụ, dẫn đến hệ lụy không tránh khỏi đối với sự trong sạch, minh bạch, công khai; làm giảm hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia. Ở nước ta cũng vậy, từ thời Lê và thời Nguyễn đã có các luật, lệ để chống tham nhũng như Luật Hồng Đức (triều vua Lê Thánh Tông), Phép Làm liêm (triều vua Minh Mạng) hay Chính sách Báo liêm (triều vua Tự Đức, do Nguyễn Trường Tộ tấu trình). Nhà cải cách Đặng Huy Trứ (1825-1874) cũng từng bỏ công soạn cẩm nang để khuyên răn các quan lại món quà trong dịp nào, giá trị bao nhiêu thì được nhận; món quà trị giá thế nào, trong hoàn cảnh nào thì dứt khoát không được nhận.
Ngày nay, tham nhũng đã trở thành quốc nạn, đe dọa sự tồn vong của chế độ; hầu hết gây ra bởi những người có chức có quyền. Loại bỏ những người sử dụng sai quyền lực ra khỏi bộ máy nhà nước các cấp là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục và bền bỉ của mọi nhà nước, dù khó mấy cũng phải kiên định.
Trong ý thức người làm công bộc, muốn giữ mình trong sạch, thanh liêm thì ở bất kỳ thời nào, xứ nào cũng đều phải cảnh giác đối với chuyện quà cáp và hậu quả của nó. Thiển nghĩ, phải đặt chuyện nhận quà cáp, phong bì vào tổng thể những nguyên tắc đạo đức trong hoạt động công vụ. Những nguyên tắc này phải được thể hiện bằng một văn bản có tính pháp lý cao (như Luật Công vụ), Quy chế Hoạt động công vụ.
Hiện nay, mặc dù đã có Luật Cán bộ công chức nhưng các quy định về những điều công chức không được làm còn rất chung chung và sơ sài. Đã đến lúc phải nghĩ đến một bộ luật hoạt động công vụ quy định một cách thật đầy đủ về đạo đức hành vi của công chức khi thi hành công vụ.
Bình luận (0)