xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lực lượng dân quân: Thầm lặng quên mình

Bài và ảnh: Phạm Dũng

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập nhưng những dân quân ngày đêm vẫn thầm lặng hy sinh vì sự bình yên của người dân

Chúng tôi đến Ban Chỉ huy Quân sự phường 3, quận Gò Vấp - TPHCM khi anh em dân quân vừa xong bữa cơm chiều. Anh Phạm Hoàng Tấn Định, phường đội phó, cho biết: “Hổm rày đang trong đợt phục vụ công tác tuyển quân của quận nên anh em cũng mướt mồ hôi dựng trại, căng lều... Tối đến, chúng tôi vẫn đi tuần khắp các nẻo đường trên địa bàn, cực chút nhưng cũng thấy vui”.

 
Thức cho dân ngủ
 
Ở phường 3, quận Gò Vấp có 10 dân quân theo diện thường trực, còn lại 29 dân quân khác là lực lượng cơ động chỉ trực ban đêm. Người trẻ nhất là anh Huỳnh Phước An (18 tuổi). Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn, mẹ bị bệnh tim nặng, nằm  liệt giường nhưng An đã rất cố gắng để hằng đêm cùng anh em tuần tra trên địa bàn. An chia sẻ: “Tôi vào dân quân từ năm 16 tuổi, công việc tuy vất vả nhưng nghĩ đến cảnh người dân được an tâm nên cũng thấy tự hào”.
 
Anh nhẩm tính đến hết tháng 3-2011 là vừa tròn 2 năm tham gia lực lượng dân quân. Mặc dù mỗi tháng chỉ nhận được 1,2 triệu đồng tiền trợ cấp nhưng An đã dành phân nửa phụ anh chị mua thuốc cho mẹ. Mỗi ngày, từ 17 giờ đến 19 giờ, An về nhà lo cơm nước cho mẹ rồi lại trở lên phường đội làm nhiệm vụ.


img

Dân phòng phường 3, quận Gò Vấp - TPHCM tuần tra đêm



Dân quân hiện nay có hai dạng: Thường trực và cơ động. Những người theo chế độ thường trực làm nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm, còn lực lượng cơ động chỉ trực ban đêm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều dân quân cơ động ban ngày làm những công việc như thợ hồ, công nhân… và đêm đến, họ vẫn nhiệt tình cùng công an phường đi tuần tra. Anh Đặng Ngọc Hiếu, dân quân phường Tân Chánh Hiệp (quận 12 - TPHCM), cho biết: “Có những lúc vừa bưng chén cơm thì nhận được tin người dân báo xảy ra cháy nổ, phải chạy xuống hiện trường liền. Hằng ngày không biết có bao nhiêu sự vụ xảy ra: đánh nhau, trộm cắp, gây rối..., chuyện gì người dân cũng cần giúp đỡ”.
 
24 giờ, khi đường phố vắng người, người dân đã yên giấc thì những dân quân lại lên đường tuần tra. Anh Phạm Hoàng Tấn Định nhớ lại: “Có lần khi công an phường phối hợp với dân quân ập vào bắt sòng bài. Những con bạc hung hãn quay lại tấn công chúng tôi gây thương tích”. Theo anh Định, “làm công việc này phải chịu khó, chịu khổ. Đã vậy, nhiều khi người dân hiểu lầm lại trách cứ, thậm chí chửi mắng chúng tôi khi đang làm nhiệm vụ!”.
 
Bị tấn công như cơm bữa
 
Ngày 18-2 vừa qua, Công an huyện Củ Chi - TPHCM đã bắt tạm giam hai anh em Huỳnh Tấn Nở (34 tuổi) và Huỳnh Tấn Trầm (25 tuổi, ngụ xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi) vì có hành vi “chống người thi hành công vụ”. Tại cơ quan công an, Nở khai sau khi nhậu xong, y có mâu thuẫn với anh Huỳnh Tấn Tài (người cùng ấp) nên xảy ra đánh nhau. Nhận được tin báo của người dân, lực lượng công an và dân quân xã có mặt can ngăn nhưng Nở vẫn hăng máu đánh anh Tài.
 
Anh Trần Quốc Hữu (dân quân xã) kéo anh Tài ra thì bị Nở đấm vào mặt làm anh Hữu té xuống đất. Thấy anh Hữu bị ngã, em trai của Nở là Trầm cũng lao vào dùng chân đạp vào mặt, bụng anh Hữu. Huỳnh Tấn Việt (38 tuổi, là anh ruột Nở) cũng giật dùi cui trên tay một dân quân khác xông vào đánh anh Hữu nhưng mọi người kịp ngăn cản, khống chế. Anh Hữu nhập viện trong tình trạng thương tích đầy mình.
 
Trước đó, ngày 8-1, anh Hồ Hoàng Đông (33 tuổi, dân quân phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 - TPHCM) đã bị một thanh niên dùng dao đâm vào ngực nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Anh Đặng Ngọc Hiếu cho biết: “Thấy đám đông nam nữ thanh niên cự cãi trước ủy ban phường, anh Đông ra nhắc nhở thì bị một thanh niên hung hãn rút dao đâm vào ngực rồi lên xe bỏ chạy”.
 
 
img
Anh Hồ Hoàng Đông với vết thương do bọn côn đồ gây ra
 
 
Kẻ gây án đã bị bắt nhưng hậu quả để lại thật nặng nề. Theo chân anh Nguyễn Văn Xương, phường đội phó phường Tân Chánh Hiệp, chúng tôi tìm đến nhà anh Đông khi anh vừa xuất viện. Nghe tiếng xe máy dừng trước nhà, một người đàn ông cao to mò mẫm theo vách tường bước ra cửa nói giọng ngắt quãng: “Mới tới hả anh Xương, chỉ nghe tiếng xe máy thôi là tôi nhận ra anh”. Giới thiệu với chúng tôi, anh Xương cho biết sau khi xuất viện, do ảnh hưởng đến dây thần kinh mắt nên anh Đông gần như bị lòa.
 
Rót ly nước mời chúng tôi, chị Nguyễn Thị Xinh, vợ anh Đông, buồn rầu nói: “Nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời thì chồng tôi có lẽ không còn dịp gặp lại vợ con rồi”. Gia đình anh Đông phải thế chấp giấy tờ nhà và bán luôn chiếc xe máy anh đang sử dụng để lo viện phí. Hiện giờ, một mình chị Xinh phải vừa nuôi chồng vừa nuôi con mới 3 tuổi và chăm sóc mẹ chồng già yếu. Gánh nặng gia đình đang đè lên đôi vai người phụ nữ này. “Thấy chồng đi sớm về khuya nhiều lúc cũng muốn khuyên ảnh đổi nghề nhưng tôi biết rằng dẫu có nói ảnh cũng không chịu vì đã 10 năm nay ảnh đã chọn con đường sống vì người khác” - chị Xinh nói.
 
Các anh đã ngã xuống
 
Chúng tôi đến nhà anh Đỗ Huy Thắng, tổ phó tổ bảo vệ dân phố khu phố 4, phường Tân Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai), người bị đâm chết khi làm nhiệm vụ. Thắp cho anh nén hương mà chúng tôi không khỏi xót xa khi những bông cúc còn vàng tươi bên di ảnh của anh với nụ cười chân chất. Ông Đỗ Văn Cường, cha anh Thắng, ngậm ngùi: “Thắng làm bảo vệ dân phố gần 10 năm, có việc gì là xung phong làm trước không đợi ai nhắc mới làm, cả khu phố ai cũng thương”.
 
Khoảng 21giờ 30 phút ngày 9-2, Công an phường Tân Hòa nhận được tin báo có một số đối tượng gây rối, đập phá cửa kính của nhà dân nên phân công anh Đỗ Huy Thắng cùng 4 bảo vệ khu phố và công an khu vực đến hiện trường giải quyết. Trong lúc anh Thắng cùng lực lượng đang ghi lại lời khai của người dân thì bất ngờ có 2 thanh niên nhào đến tấn công bằng hung khí. Anh Thắng ngã gục tại chỗ và mất tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thống Nhất. Công an đã bắt giữ 2 thanh niên đâm anh Thắng là Nguyễn Tiến Vương và Nguyễn Minh Phát.
 
Người nhà anh Thắng cho biết: Có nhà chứ Thắng ít về lắm, ăn ngủ trên trụ sở công an phường. Mỗi tháng chỉ được trợ cấp vài trăm ngàn đồng, chỉ đủ cà phê, thuốc lá. Anh Đỗ Thế Quân (em trai anh Thắng) cũng vừa xin vào làm bảo vệ dân phố thay anh. Ông Cường tâm sự: “Thắng mất, gia đình ai cũng buồn nhưng cũng thấy tự hào vì cháu đã sống và phục vụ hết mình cho bà con chòm xóm”.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Cũng không ít lần, các dân quân bị các “quái xế” nhục mạ và dùng hung khí tấn công. Anh Đặng Ngọc Hiếu cho biết: “Khi gặp những “quái xế”, những thiếu niên hung hăng, chúng tôi cũng chỉ biết áp giải họ về trụ sở công an phường chứ không dám dùng vũ lực, rủi họ có chuyện gì thì khổ”.
 
Một dân quân khác kể lại: “Trong những đợt ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông, chúng tôi đứng chốt ở các ngã tư nhắc nhở người dân đi đúng tuyến, có lần bị một người có máu côn đồ dừng xe văng tục rồi bất ngờ đấm vào mặt tôi vì họ cho rằng dân quân không có quyền hạn như CSGT”.
 
Anh Khưu Mạnh Tân, phường đội trưởng phường Tân Chánh Hiệp (quận 12 - TPHCM), bày tỏ mong muốn: “Những dân quân dạng cơ động chỉ được trợ cấp 200.000 đồng, còn những anh em theo chế độ thường trực thì được 1,2 triệu đồng. Mong rằng trong thời gian tới, các anh em dân quân được tăng mức trợ cấp và trang bị dụng cụ tự vệ tránh những rủi ro”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo