Phần đất được Nhà nước giao cho Công ty Cao su Sông Bé quản lý nhưng ông Đỗ Quốc Quýt cấp lại cho công ty của con trai mình là Đỗ Nguyễn Minh Trí
Liên quan đến vụ “Thao túng đất rừng” (Báo Người Lao Động phản ánh ngày 21-9), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước vừa có kết luận sau thanh tra về 13 doanh nghiệp (DN) được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, liên doanh trồng rừng, trồng cây công nghiệp nhưng sau đó đem đất rừng mua bán để trục lợi.
Sai đến đâu, thu hồi đến đó
Theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, việc chuyển nhượng dự án của Công ty TNHH một thành viên (MTV) Nam Hằng về bản chất là mua bán bất hợp pháp. Do đó, Tỉnh ủy Bình Phước thống nhất giao UBND tỉnh tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao cho Công ty TNHH MTV Nam Hằng để giao về Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé (Công ty Cao su Sông Bé) quản lý, đồng thời tính toán toàn bộ chi phí đầu tư dự án thích hợp để yêu cầu Công ty Cao su Sông Bé hoàn trả vốn cho nhà đầu tư.
Đối với Công ty TNHH MTV Phương Minh được giao 60 ha để chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, do giám đốc công ty này lại là phó giám đốc điều hành mọi hoạt động của Công ty TNHH MTV Nam Hằng, trong khi DN này lập dự án để bán cho nhiều cá nhân khác với giá 10,3 tỉ đồng để trục lợi, vì vậy Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích đất đã cấp cho Công ty TNHH MTV Phương Minh để giao lại cho Công ty Cao su Sông Bé quản lý.
Công ty TNHH Hoàn Hảo do bà Trần Thị Lai (SN 1947, ngụ thị xã Đồng Xoài) làm giám đốc, được UBND tỉnh Bình Phước giao 3 dự án trồng cao su với tổng diện tích 369,5 ha. Trong quá trình thực hiện, Công ty TNHH Hoàn Hảo đã phá trái phép 7,18/10,5 ha rừng khoanh nuôi – bảo vệ. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ, xử nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật và thu hồi 10,5 ha rừng bị mất để giao lại cho huyện Đồng Phú đưa vào quỹ an sinh xã hội.
Ở hai dự án UBND tỉnh Bình Phước cấp cho Công ty Cổ phần Thiện Đức trên diện tích 208,92 ha, đến nay mới trồng được 81,76 ha với tổng vốn đầu tư gần 5 tỉ đồng, số còn lại 127,16 ha chưa thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND tỉnh tiến hành thu hồi chủ trương đã cấp đất cho Công ty Cổ phần Thiện Đức, báo cáo hướng xử lý.
Riêng 84,41 ha cấp cho Công ty TNHH DV-TM Việt Lào tại Ban Quản lý rừng kinh tế Suối Nhung để thực hiện dự án chăn nuôi dưới tán rừng, sau đó DN này đã công khai bán lại cho Công ty TNHH MTV Vân Sơn và cá nhân khác để trục lợi, Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu thu hồi toàn bộ diện tích và xử lý nghiêm những sai phạm tại công ty này.
Bao che DN “sân sau”?
Mạnh tay thu hồi đất sang nhượng bất hợp pháp của các DN khác nhưng khi đụng đến DN Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Bình Phước lại lúng túng trong xử lý.
Cụ thể là trường hợp tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Cao su Sông Bé ký hợp đồng liên kết với công ty của con và của vợ để thao túng hàng trăm hecta đất được Nhà nước giao quản lý, khiến cán bộ và người dân tỉnh Bình Phước bất bình, nhiều người khiếu kiện liên tục trong thời gian dài.
Mặc dù trong kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định bản thân ông Đỗ Quốc Quýt (tổng giám đốc Công ty Cao su Sông Bé) và ông Đặng Văn Hơn (phó tổng giám đốc Công ty Cao su Sông Bé) đều là đảng viên, cán bộ lãnh đạo DN Nhà nước nhưng đã lợi dụng ảnh hưởng chức vụ của mình đề xuất ký hợp đồng giao đất cho công ty của con và công ty của vợ là sai.
Thế nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước không đưa ra biện pháp xử lý mà chỉ yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu để tham mưu hướng xử lý vì hiện có tới 3 luồng ý kiến khác nhau: không thu hồi diện tích đất đã giao; thu hồi 50% diện tích; thu hồi toàn bộ diện tích đã giao để tạo sự công bằng trước pháp luật giữa các DN khác.
Chậm thực hiện chỉ đạo của Trung ương!
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu UBND tỉnh này thực hiện nghiêm túc thông báo số 78-TB/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 20-5-2011 và kết luận số 34-KL/TU ngày 11-5-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi đất lâm nghiệp (diện tích rừng khoanh nuôi – bảo vệ) giao khoán cho Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại Rạng Đông tại Nông Lâm trường Tân Lập thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước (tháng 8-2010, Báo Người Lao Động đã phản ánh loạt bài “Phù phép đất rừng”).
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, thời gian qua, UBND tỉnh thực hiện các ý kiến chỉ đạo quá chậm, vì vậy việc thu hồi phải dứt điểm từ nay đến cuối năm 2011, chậm nhất vào tháng 1-2012.
Y.Thanh |
Bình luận (0)