Chiều 10-11, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013 với 90,96% đại biểu (ĐB) tán thành. QH cũng đã thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại.
Ưu tiên giảm bội chi
Theo nghị quyết, tổng số thu cân đối NSNN dự kiến năm 2013 là 816.000 tỉ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 978.000 tỉ đồng; mức bội chi là 162.000 tỉ đồng, tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Giải trình về dự toán NSNN năm 2013, Chủ tịch Ủy ban Tài chính ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho biết dự toán thu dựa trên tốc độ thu nội địa tăng 15% so với ước thực hiện của năm 2012. Nếu áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân mới từ ngày 1-7-2013 sẽ giảm thu NSNN khoảng 5.200 tỉ đồng. Thu từ dầu thô với dự kiến mức giá dầu bình quân cả năm 2013 là 90 USD/thùng là giá tính dự toán cao nhất từ trước đến nay.
Về mức bội chi, theo ông Hiển, do điều kiện thu NSNN khó khăn, chi NSNN chưa thể cắt giảm nhiều và vẫn phải duy trì mức 4,8% GDP. Tuy nhiên, nghị quyết yêu cầu Chính phủ phải nỗ lực giảm bội chi; trong trường hợp có số vượt thu ngân sách năm 2013 lớn thì ưu tiên dành để giảm bội chi xuống dưới mức 4,8% GDP.
Nghị quyết cũng giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, cơ cấu lại các khoản thu chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát; đồng thời quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong nước và nước ngoài...
Chế định thừa phát lại có nhiều đóng góp
Thời gian còn lại của buổi chiều, QH thảo luận về kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại. Hầu hết ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục thí điểm thêm hoạt động của chế định này đến hết năm 2015 để có thể đánh giá một cách toàn diện hơn.
Bày tỏ sự ủng hộ tiếp tục thí điểm 3 năm như tờ trình của Chính phủ, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) phân tích hoạt động của chế định thừa phát lại chỉ sau hơn 1 năm nhưng đã hỗ trợ tòa án, cơ quan thi hành án rất nhiều, giảm áp lực cho các cơ quan trên, bảo vệ quyền lợi cho các nguyên đơn. Hiện các văn phòng thừa phát lại đã đầu tư trang thiết bị lớn nên cần tiếp tục thí điểm để có đánh giá toàn diện hơn.
Cùng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng xu hướng các nước phát triển là thu nhỏ nhiệm vụ Chính phủ, tăng xã hội hóa để giảm gánh nặng cho khu vực công, giảm gánh nặng ngân sách. “Áp dụng thí điểm thừa phát lại tại TPHCM thời gian qua, dù vẫn còn một số hạn chế nhưng nhìn chung đã có nhiều đóng góp. Nếu có sự hợp tác giữa chế định này và cơ quan thi hành án dân sự thì sẽ giúp đỡ rất nhiều trong việc thi hành án” - ông Nghĩa nhìn nhận.
Trình bày thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay trên cơ sở góp ý của các ĐB, bộ sẽ dự thảo nghị quyết để trình ra QH, đồng thời cũng sẽ cân nhắc, tham mưu cho Chính phủ hạn chế những bất cập hiện hành để hoạt động này đi vào hiệu quả hơn.
Tán đồng việc mở rộng thời gian thí điểm chế định thừa phát lại nhưng ĐB Nguyễn Sơn (Hà Nội) lưu ý cần áp dụng như hiện hành, không nên bổ sung việc thí điểm cưỡng chế thi hành án do khó khả thi khi bộ máy cưỡng chế mang tính chất Nhà nước. |
Bình luận (0)