Theo kế hoạch, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới đây và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.
Lo mất cân đối quỹ hưu trí
Một trong những nội dung được dư luận hết sức quan tâm trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi là thay đổi cách tính lương hưu của khối cán bộ, công chức, viên chức tham gia BHXH từ ngày 1-1-2015. Theo đó, mức bình quân lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người lao động khu vực nhà nước, bắt đầu tham gia BHXH khi luật này có hiệu lực trở đi sẽ được tính bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH thay vì bình quân đóng BHXH 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu như hiện nay.
Hiện nay, việc tính lương hưu đang có sự không giống nhau giữa người lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực nhà nước. Lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Trong khi đó, lương hưu của người lao động khu vực ngoài nhà nước lại tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Chiều 30-3, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Minh Huân cho biết việc thay đổi cách tính đóng - hưởng lương hưu nhằm từng bước thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm bình đẳng trong thụ hưởng chế độ giữa các đối tượng tham gia, góp phần cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn. “Hiện nay, chính sách của chúng ta đang theo kiểu đóng ít mà hưởng nhiều, vì vậy dẫn đến mất cân đối quỹ hưu trí” - ông Huân nói.
Trước băn khoăn về việc lương hưu của người lao động trong khu vực nhà nước sẽ giảm, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng phải đến năm 2035 mới bắt đầu có người đầu tiên nghỉ hưu theo cách tính mới, còn số lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thì không bị điều chỉnh. Từ nay đến năm 2035, tiền lương sẽ có rất nhiều thay đổi và tăng lên. “Tiền lương bây giờ là 1 nhưng nay mai nó có thể tăng lên gấp 5, 10. Sau này, có thể chính sách của nhà nước đối với khu vực công chức có thể thay đổi, ví dụ người lao động đóng được bao nhiêu, còn phần chênh lệch nhà nước sẽ phải bỏ ra để bảo đảm lương hưu cho người lao động, như vậy mới bảo đảm quỹ hưu trí được an toàn” - ông Huân nhận định.
Tuy nhiên, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Phòng Pháp luật - Quan hệ lao động (Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho rằng cách tính lương hưu mới này sẽ làm thiệt hơn cho khối cán bộ, công chức tham gia BHXH sau năm 2015 so với công thức tính hiện hành. Việc chia cho mẫu số nhiều hơn (bình quân toàn thời gian đóng BHXH) so với hiện nay (bình quân 10 năm cuối đóng BHXH) thì đương nhiên phải thiệt hơn nhiều.
Tại hội thảo tham vấn về dự án Luật BHXH (sửa đổi) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng thay đổi cách tính lương hưu hằng tháng (điều 55) là làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.
Mức đóng chưa tương ứng với hưởng
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí là chắc chắn xảy ra trong tương lai gần. Xu hướng mất cân đối thu - chi là đã khá rõ, tỉ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hằng năm có xu hướng tăng mạnh. Nếu năm 2007, tỉ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì năm 2013 lên khoảng 76,6%. Theo ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên nhân mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất là do cơ chế đóng - hưởng BHXH còn mất cân đối; mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng. Tiền lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu của người lao động khu vực nhà nước hiện nay chỉ tính bình quân một số năm cuối (là giai đoạn người lao động có mức lương cao nhất). Ngoài ra, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày một giảm. “Nếu như năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu thì năm 2007 giảm xuống chỉ còn 14 người và năm 2012 chỉ còn 9,3 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu” - ông Lợi nói.
Ông Bùi Sĩ Lợi cho biết thêm tuổi nghỉ hưu sớm dẫn đến thời gian đóng BHXH ngắn, số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm, tuy nhiên, thời gian hưởng lương hưu lại dài. Dẫn số liệu từ tổng điều tra dân số năm 2009, ông Lợi cho biết số năm trung bình còn sống thêm của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm.
Thay đổi cách tính nếu có lợi cho người lao động
Về cách tính lương hưu theo điều 52 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị chỉ thay đổi cách tính lương hưu khi tiền lương đóng BHXH là tiền lương thực tế của người lao động hoặc thực hiện theo quy định của khoản 1, điều 90 Bộ Luật Lao động năm 2012. Theo đó, tiền lương đóng BHXH là mức lương ghi trong hợp đồng lao động, bao gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Như vậy, khi nghỉ hưu, thu nhập của người lao động sẽ cao hơn.
Bình luận (0)