Từ ngày 30-12-2014 đến ngày 4-1-2015, có đến 117 lượt phi công Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) báo nghỉ ốm. Trong số này có 9 phi công nộp đơn xin nghỉ việc. Sau khi được thuyết phục, một số người đã đồng ý rút đơn.
Cơ trưởng thu nhập 131 triệu đồng/tháng
Tại cuộc họp báo chiều 12-1, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc VNA, cho biết nguyên nhân dẫn đến đợt lãn công này là do các phi công người Việt cho rằng thu nhập ở VNA thấp, muốn chuyển sang lái cho hãng khác nhưng không được chấp thuận.
Theo phản ánh của một số phi công Việt, không chỉ phải chịu lương thấp so với hãng hàng không khác, chế độ lương của VNA cũng không công bằng khi cùng một vị trí, cùng trình độ nhưng thu nhập của phi công người Việt thấp hơn nhiều. Ví dụ cơ phó A320 người nước ngoài lương 7.500 USD/tháng nhưng cơ phó người Việt chỉ 2.500 USD. Ban lãnh đạo VNA giải thích sở dĩ có sự chênh lệch này do hãng không phải trả tiền đào tạo cho phi công ngoại. Tuy nhiên, nhiều phi công cho rằng chính sách này không phù hợp vì chỉ sau 2 năm, khoản chênh lệnh lên đến 120.000 USD là đã vượt quá số tiền hãng bỏ ra đào tạo. Vì vậy, lẽ ra khi hết thời hạn này, VNA phải tính lương cho phi công nội như mức của phi công ngoại.
Khi các phóng viên nêu những phản ánh trên, ông Minh cho biết năm 2008, VNA đã xây dựng lộ trình cải cách tiền lương chung cho tổng công ty và đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, thu nhập của phi công người Việt sẽ tăng dần đến khi đạt mức 75%-80% thu nhập phi công nước ngoài. Thực tế, VNA đã thực hiện đúng lộ trình này. Cụ thể, trong đợt tăng lương lần thứ nhất vào năm 2008, thu nhập của phi công đã được tăng gấp đôi với mức thu nhập của cơ trưởng A320/321 là 73 triệu đồng/người/tháng, cơ phó là 42 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2012, mức lương cho cơ trưởng và cơ phó được nâng lên 97 triệu đồng và 61 triệu đồng, bổ sung chức danh cơ trưởng giáo viên và cơ trưởng thanh tra bay thì mức thu nhập lần lượt là 131 triệu đồng và 129 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2008 đến tháng 1-2015, hãng có 5 lần điều chỉnh tăng lương trong toàn tổng công ty, trong đó phi công và đội ngũ kỹ thuật luôn được chú trọng tăng lương ở mức 2 con số, cao hơn một số bộ phận khác. Tính đến năm 2014, thu nhập bình quân của hơn 10.000 cán bộ, nhân viên VNA là 10 triệu đồng/tháng thì thu nhập của phi công cao hơn rất nhiều. Năm 2015 có thêm 2 đợt cải cách tiền lương của phi công, đợt 1 đã thực hiện từ tháng 1 và đợt tiếp theo vào tháng 7. Theo ông Minh, ngay cả bộ phận quản lý của VNA cũng không được cải cách tiền lương nhanh như vậy.
Khó tính chi phí đào tạo
Về vấn đề chi phí đào tạo, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng Ban Tài chính VNA, cho biết trong HĐLĐ có nêu vấn đề bồi hoàn chi phí đào tạo nhưng chủ yếu là chi phí đào tạo trực tiếp, các chi phí lớn hơn chưa có căn cứ để tính. Ví dụ học viên phi công thành cơ trưởng mỗi năm phải sát hạch 2 lần trên buồng lái giả định, tích lũy kinh nghiệm thông qua hàng ngàn giờ bay… Cho nên có những phi công đã nghỉ việc nhưng chưa thể chấm dứt HĐLĐ, VNA yêu cầu phải quay lại làm việc. Đối với phi công nước ngoài, VNA trả thu nhập trên cơ sở bằng cấp và kinh nghiệm phi công đó tự tích lũy ở những nhà khai thác khác, do không phải đào tạo nên có mức lương cao hơn. Theo ông Hiền, năm 2013, chi phí tiền lương VNA cho trả phi công là 550 tỉ đồng thì chi phí đào tạo phân bổ vào là 250 tỉ đồng.
Không vì hãng khác mà trả cao hơn
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về biện pháp lâu dài để giữ chân lao động kỹ thuật cao thay vì giải pháp hành chính như hiện nay là Cục Hàng không tạm thời không chứng nhận cho phi công được chuyển đổi nhà khai thác, ông Phạm Ngọc Minh cho biết chi phí nhân công hiện chiếm 8% tổng chi phí hoạt động của VNA, thấp hơn 4% so với mặt bằng chung của các hãng hàng không khác. Vì vậy, dư địa để cải cách tiền lương vẫn còn nhưng hãng sẽ bám sát lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, tuyệt đối không chạy theo thị trường, không vì hãng khác trả cao hơn mà tăng thu nhập để giữ chân phi công vì chính sách tiền lương còn phải bảo đảm quyền lợi cho các bộ phận khác.
Bình luận (0)