xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lương tâm nghề báo

Dương Quang

Trung trinh với sự thật, trung thực với độc giả và trung thành với nghề nghiệp là những vốn quý mà người làm báo chân chính luôn cố giữ

Một trong những thiên chức của nghề báo là đấu tranh cho lẽ công bằng. Để làm được vậy, trước tiên, nhà báo phải công tâm. Với nỗ lực không ngừng, báo chí đã cơ bản thành công. Và lẫn trong thành công ấy, có lúc sức mạnh truyền thông bị vận dụng sai lạc, cần được nhận diện để cùng suy ngẫm và hoàn thiện mình.

1. Cuối tháng 1-2015, ông Võ Văn Minh (ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bị bắt vì tống tiền 500 triệu đồng trong vụ chai nước Number One của Tập đoàn Tân Hiệp Phát có con ruồi bên trong.

Minh họa: KHỀU
Minh họa: KHỀU

Tưởng ông Minh sẽ bị chỉ trích rất nhiều, nào ngờ Tân Hiệp Phát mới là bên bị “ném đá” tơi bời. Báo chí đã đẩy vụ này lên thành đại sự kiện truyền thông.

Tuy nhiên, nhiều báo dường như cố tình lờ đi tranh chấp dân sự giữa ông Minh và Tân Hiệp Phát mà hướng dư luận vào vấn đề lớn hơn, đó là đạo đức kinh doanh. Cho rằng Tân Hiệp Phát đã gài bẫy và mượn tay công an để trừng trị bạn hàng (ông Minh là chủ quán cơm, có phân phối Number One), dòng quan điểm chủ lưu trên nhiều báo đánh giá Tân Hiệp Phát làm như vậy là thất đức. Đã có những lời kêu gọi tẩy chay Tân Hiệp Phát.

Tiếp đến, dồn dập những vụ người tiêu dùng tố giác sản phẩm của Tân Hiệp Phát có chứa ruồi, muỗi, gián, nào bọ… Làn sóng phản đối Tân Hiệp Phát theo đó mà tỏa rộng.

Nhiều người làm báo đã “nóng máu”, đẩy Tân Hiệp Phát lún sâu vào cuộc khủng hoảng truyền thông. Giá như bình tĩnh hơn thì hẳn đã chọn cách giải quyết khác.

Cụ thể, thông tin tố giác của người tiêu dùng mới chỉ là một chiều. Các cơ quan hữu trách khi được trình báo cũng mới chỉ ghi nhận sự việc, chưa kết luận nhưng thông tin “nước uống chứa côn trùng” thì đã tràn lên mặt báo. Như vậy là không công bằng với Tân Hiệp Phát. Hôm nay đăng một vụ, người tiêu dùng tố thêm vụ khác, báo lại đăng tiếp; và cứ thế, câu chuyện cứ kéo dài ra. Mà có ai làm rõ được sự tố cáo đó có trung thực không, hay là bị “giật dây”?! Vô cùng sốt ruột, nạn nhân buộc phải trưng cầu giám định, phải đón đoàn thanh tra đến “soi” dây chuyền sản xuất nhằm làm rõ trắng đen. Đợi đến khi giám định xong, thanh tra xong, dù cho kết quả ngược lại (với những nội dung tố cáo) thì họ “được vạ, má đã sưng” rồi. Trái với những bài viết hoành tráng “đập” doanh nghiệp thẳng tay trước đó, nay chỉ là những mẩu tin bé con, thậm chí tảng lờ đi.

Tân Hiệp Phát đã trả giá đắt cho thái độ của mình và phải trả giá cả cho những bài báo phiến diện, một chiều. Công bằng nào cho doanh nghiệp?

Nhóm tác giả của The Missouri Group khuyến cáo trong “Nhà báo hiện đại” (NXB Trẻ, 2014): “[Báo chí] dẫu có thay đổi gì thì có 2 truyền thống vẫn luôn là cốt lõi. Thứ nhất, đó là đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi mọi nhà báo phải chính xác và công bằng. Thứ hai, là truyền thống về tính khách quan”.

2. Vụ chặt - thay cây xanh Hà Nội trở thành tâm điểm của báo chí từ khoảng ngày 20-3-2015, khi có rất đông người dân thủ đô xuống đường, giương biểu ngữ phản đối. Vụ việc lên cao trào khi một quan chức Hà Nội tuyên bố chủ trương chặt cây “không cần hỏi ý kiến dân”, tiếp đó giới khoa học phát hiện cây trồng thay thế là mỡ chứ không phải vàng tâm như cơ quan hữu trách từng công bố.

Lãnh đạo Hà Nội đã cầu thị, cho dừng chặt - thay và chỉ đạo thanh tra toàn diện.

Đến đây, báo chí xem như đã thắng trong vụ này. Nhưng chiến thắng ấy không hoàn toàn có được nhờ phản biện chuẩn xác mà đến từ hiệu ứng đám đông, cụ thể là báo chí đã tạo ra dư luận và trước sức ép dữ dội đó, chính quyền phải chỉ đạo dừng.

Nói rõ hơn, chặt - thay 6.700 cây là chủ trương đúng của Hà Nội nhưng quá trình thực hiện đã mắc nhiều cái sai, chứ không phải đó là chủ trương sai. Kết luận của Thanh tra Hà Nội công bố hôm 19-5 ngoài việc chỉ ra những sai sót trong quá trình thực hiện kế hoạch thay thế cây xanh cũng khẳng định đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên, trước đó, nhiều báo đã không phản ánh một cách đầy đủ như vậy. Trong lúc đang bị tổn thương trước sự ngã rạp của một phần hồn vía Hà thành, lại gặp phải định hướng, dẫn dắt thiếu khách quan của báo chí, người dân đất kinh kỳ càng phẫn nộ hơn, khăng khăng rằng chính quyền đã chỉ đạo “triệt hạ” 6.700 cây xanh!

Những ngòi bút chân chính đã đi đúng vào phần lõi của vấn đề. Bằng cách thông tin chừng mực và chuẩn xác, họ đã đưa sự sai trái ra ánh sáng. Ngược lại, không ít người làm báo thiếu ngay ngắn đã cố tình thông tin sai lạc nhằm đẩy sự việc lên quá mức, gây sự chú ý về mình hoặc phục vụ cho những mưu đồ khác.

Tác giả Vũ Bằng đã viết, cũng là khuyên nhà báo, trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo” của ông: “Làm báo là làm một cái gì nghiêm trang cao quý, có tính năng tranh đấu và xây dựng…”. Rõ là, tranh đấu là nghĩa vụ của nghề báo nhưng phải mang tính xây dựng nữa.

3. Hồ Ngọc Hà có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong giới showbiz 6 tháng qua. Hồi đầu tháng 2-2015, tài xế của cô đạp nhầm chân ga gây tai nạn lớn ở sân bay. Lỗi thuộc về tài xế nhưng Hà Hồ và doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường “đô-la”, chồng cô) thì bị báo chí - nhất là những trang mạng - “mần thịt” suốt cả tháng. Rồi mới đây, sau bức ảnh đi cùng một người đàn ông “đã có vợ, 3 con”, đời tư Hà Hồ bị soi mói đến từng chi tiết. Cô đã phải lên báo phân trần nhưng đôi co sao lại dòng thác lũ truyền thông có phần ác ý kia!

Rõ ràng, nhiều trang mạng, tờ báo đã phạm luật khi xâm phạm đời tư ca sĩ này. Chưa đến mức kéo nhau ra tòa nhờ luật pháp phân xử; nhìn dưới góc độ đạo đức, nếu có lương tâm, người làm báo thấy mình làm vậy có đáng không?

Chính xác, công bằng và khách quan, suy cho cùng, cũng từ lương tâm của người làm báo. Tâm sáng thì được độc giả tin yêu và lòng tin cùng sự hợp tác của bạn đọc sẽ gia cường sức mạnh cho báo chí. Thời nào làm báo cũng khó khăn, giữ được 3 chữ “trung”: trung trinh với sự thật, trung thực với độc giả và trung thành với nghề nghiệp mới là điều đáng quý!

Đủ tâm và tầm thì mới định hướng dư luận đúng

Sức mạnh của báo chí nằm ở khả năng tác động vào dư luận xã hội. Hiệu quả tác động ấy phụ thuộc vào nội dung thông tin, cường độ và biên độ thông tin, bối cảnh và thời điểm thông tin, uy tín của cơ quan báo chí... Lý thuyết là vậy nhưng trong thực tế, hiệu quả truyền thông có thể trái với mong đợi của chủ thể truyền thông và sức mạnh ấy có thể bị lợi dụng, lạm dụng - vô tình hay hữu ý - cho những mục đích xấu.

Hiệu ứng đám đông chỉ trở thành sức mạnh thật sự của báo chí khi nhà báo có tâm và đủ hiểu biết để phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, dở - hay (căn cứ quy phạm pháp luật và các giá trị đạo đức, các chuẩn mực xã hội) trong chọn lựa đề tài, góc tiếp cận, trong thái độ khách quan và trách nhiệm xã hội khi phản ánh hiện thực, trong việc nhân danh lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc để khơi nguồn và định hướng dư luận.

ThS Phan Văn Tú

(Khoa Báo chí - Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM)

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo