Tại cuộc Hội ngộ Kỷ lục gia toàn quốc năm 2011 tổ chức ở TPHCM cuối tháng 10-2011, bộ sưu tập Hoàng Sa - Trường Sa được trưng bày đã khiến nhiều người ngỡ ngàng xúc động. Trong cuốn sách bìa cứng mạ chữ vàng dày 1.000 trang, kích thước 60 cm x 40 cm, nặng 18 kg mang màu của biển trời là hơn 1.500 bài báo viết về 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa được nhà sưu tập Trần Thanh Phương, nguyên phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết và vợ, nhà giáo Phan Thu Hương, lưu giữ từ những năm 1970 đến nay.
Suốt hơn 30 năm qua, mỗi ngày, ông đều cần mẫn chắt lọc tư liệu, cắt dán và lưu giữ cẩn thận bằng tất cả niềm mê say, tận tụy. Thời gian đã trải bao thăng trầm, biến động nhưng những sự kiện, con người của lịch sử và ký ức vẫn mãi còn vẹn nguyên trong hành trình lưu giữ của người sưu tập.
Vợ chồng ông Trần Thanh Phương và bộ sưu tập Hoàng Sa - Trường Sa đồ sộ. Ảnh: Tiểu Quyên
Bài báo đầu tiên được ông lưu giữ là Cây phong ba yêu người chiến sĩ trên Báo Nhân Dân ngày 1-4-1978. Bắt đầu từ đó, những bài viết về Hoàng Sa - Trường Sa đăng ở hầu hết các báo đều được ông lưu lại, trở thành nguồn tư liệu khổng lồ về vùng biển đảo quê hương này. Bộ sưu tập Hoàng Sa - Trường Sa như không còn là những bài báo ngủ yên với thời gian mà trở thành một tiếng vọng từ quá khứ, hiển hiện trong đó biết bao thăng trầm của thời cuộc, của đất và người.
Không chỉ là những bài báo ghi nhận sự kiện, cuộc sống của người lính ở trùng khơi hay tình cảm của đất liền với biển đảo mà lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa với những dấu mốc chủ quyền cũng được thể hiện theo một trình tự rõ rệt trong bộ sưu tập. Trong đó, một dấu mốc hết sức quan trọng được ông lưu giữ là vào tháng 9-1979, Bộ Ngoại giao công bố Sách Trắng, đưa ra nhiều tài liệu, bằng chứng chứng tỏ Việt Nam đã làm chủ Hoàng Sa - Trường Sa từ lâu đời và liên tục thực hiện chủ quyền đối với 2 quần đảo này.
“Tôi giữ lại những bài viết về Hoàng Sa - Trường Sa như là cảm xúc tự nhiên. Đến giờ, thói quen tìm kiếm, sưu tập tư liệu đã thấm sâu vào trong máu tôi rồi. Không gì có thể thay đổi được tình cảm mà tôi dành cho các bài viết về Hoàng Sa - Trường Sa, cũng như 2 quần đảo này đã là một phần máu thịt của đất nước, không thể tách rời vậy” - ông Phương thổ lộ.
Hàng ngàn bài báo đã được lưu giữ với đầy đủ các sự kiện, sinh hoạt, lễ hội... về 2 quần đảo thân thương vẫn chưa thỏa lòng nhà sưu tập. Trong nhà ông hiện còn hơn 100 bài báo về Hoàng Sa - Trường Sa cắt ra từ các báo: Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng... chưa kịp đưa vào cuốn sách đã rất dày. Mỗi ngày, ông vẫn đều đặn đọc báo, tiếp tục chắt lọc thông tin về Hoàng Sa - Trường Sa mà với ông, bao giờ cũng quý báu.
Ông Trần Thanh Phương còn nổi tiếng với hàng trăm bộ sưu tập khác về sự kiện, văn hóa, lễ hội, đất nước - con người Việt Nam... Trong đó, Đất nước tôi với hơn 10.000 bài báo đã được xác lập kỷ lục “Cuốn sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam” năm 2006.
“Giá như có ai đó thay tôi tiếp quản những công trình này, lưu giữ cho mai sau...” - nhà sưu tập Trần Thanh Phương trăn trở. Dẫu ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3 - TPHCM thảng hoặc vẫn có khách đến nhờ tra cứu tư liệu nhưng với một người luôn đăm đắm cùng “ngòi bút và cây kéo” như ông, điều quan trọng hơn tâm huyết cả cuộc đời là được chia sẻ tri thức cho thế hệ mai sau.
Bình luận (0)