Chúng tôi trở lại vùng lũ Hương Toàn (huyện Hương Trà), Quảng An (huyện Quảng Điền) thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế một tuần sau cơn lũ hồi giữa tháng 11. Những cánh đồng, vạt rau nằm bên dòng sông Bồ trước đây vốn xanh tốt nay còn nhuốm màu bùn lũ. Đường làng, ngõ xóm vắng hoe...
Tha hương vì thất nghiệp
Thôn Nam Thanh, xã Hương Toàn vốn là một làng nghề sản xuất gạch, dù đã vào mùa nhưng các lò gạch đều quạnh quẽ. Ông Phan Văn Thuận, một chủ lò gạch, cho biết toàn bộ lao động chính trong làng đã vào Nam làm ăn.
Nhiều người đi từ sau Tết Nguyên đán, sau đợt lũ vừa rồi lại tiếp tục có thêm những nhóm người rời quê. Họ vào Đà Nẵng, TPHCM hoặc lên Tây Nguyên làm thuê lo cho cuộc sống trước mắt.
Hộ chị Võ Thị Đào, ngụ thôn Nam Thanh, giờ chỉ còn lại 3 mẹ con. Anh Trần Đình Thiên, chồng chị, vừa vào Đà Nẵng làm nghề phụ hồ, 2 đứa con trai lớn cũng ra tận Lạng Sơn để vừa học nghề vừa kiếm tiền.
“Hôm lũ về, tôi không kịp đưa lúa lên gác nên hư hết. Vợ chồng tôi làm thuê ở lò gạch, thu nhập thấp quá nên phải rời quê kiếm sống thôi” - chị Đào nói.
Sau lũ lụt, người dân Quảng Ngãi tiếp tục lên đường vào Nam tìm kế sinh nhai. Ảnh: Xuân Long
Xã Quảng An, huyện Quảng Điền nằm bên phá Tam Giang, lại có sông Bồ chảy qua nên năm nào cũng “gánh” vài cơn lũ dữ. Ông Nguyễn Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng An, cho biết từ sau lũ đến giờ đã có hơn 250 người vào Nam làm thuê, nếu tính từ đầu năm thì có khoảng vài ngàn người.
Trên những thửa ruộng dọc hai bên con đường bê tông dẫn vào thôn An Xuân hiện chỉ có những phụ nữ, người già dọn bùn để chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Theo ông Hiền, khoảng 150 người ở thôn An Xuân vừa khăn gói đi xa làm ăn vì điều kiện gia đình khó khăn, trong đó có nhiều hộ đi cả nhà.
Nhà ông Trần Đình Gió ở xóm Cồn Bài, thôn An Xuân, nay chỉ còn mỗi em Trần Thị Lệ Ninh (học lớp 8) ở lại trông coi vì sau lũ vợ chồng ông cùng một con dắt nhau vào TPHCM làm phụ hồ kiếm sống.
Ở nhiều miền quê Quảng Bình giờ chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Quang Tám
Bé Ninh tâm sự: “Ba mẹ nói ở quê không có việc, phải vào TPHCM làm, kiếm tiền về trả nợ. Em đang còn đi học nên không thể đi cùng ba mẹ”.
Cạnh đó, nhà bà Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ còn lại 2 mẹ con, chồng bà vừa vào TPHCM làm thuê. Ông Trần Đức Hùng, xóm trưởng xóm Cồn Bài, cho biết: “Mùa này ở quê lũ lụt nhiều, việc làm không có nên phải ra đi”.
Làn sóng dân lao động đi vào Nam sau lũ cũng diễn ra tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ phụ trách lao động - việc làm của xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, hiện có khoảng 2.000 người dân trong xã vào TPHCM, Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên làm ăn. “Phải đi mới có tiền mua lại trâu bò, đồ đạc vì sau lũ đã mất sạch” - ông Hoàng giải thích.
Xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch cũng là địa phương bị thiệt hại nặng trong cơn lũ vừa qua. Ông Hoàng Trọng Thể, Chủ tịch UBND xã Liên Trạch, cho biết địa phương vừa có hàng chục lao động vào Nam, ra Bắc tìm kiếm việc làm để có tiền về quê giúp gia đình khôi phục sản xuất.
Chỉ còn người già và trẻ em
Sau hai đợt lũ lớn, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh lâm vào cảnh trắng tay, đối mặt với cái đói. Họ tìm mọi cách để từng bước gượng dậy sau thiên tai, nhiều người đã chọn con đường vào Nam. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, huyện Hương Khê - Hà Tĩnh, cho biết sau lũ đến nay, xã có hơn 60 lao động rời xứ vào Nam để làm thuê. Xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê cũng có hơn 50 người tha phương cầu thực. Trung bình mỗi nhà có 2 - 3 người đi làm ăn xa. Lao động chính ở địa phương bỏ đi cả nên ở đây hầu như chỉ còn người già và trẻ em. |
Ông Châu Đại Dương, cán bộ phụ trách lao động - việc làm của huyện Bố Trạch, cho biết mỗi năm toàn huyện có đến vài ngàn lao động ly hương đi kiếm việc làm.
Sau lũ vừa qua có đến vài trăm lao động, chủ yếu ở các xã miền Tây huyện Bố Trạch như Sơn Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch..., đi tìm kế sinh nhai.
Tìm đường mưu sinh
Huyện Bình Sơn là địa phương bị thiệt hại nặng nhất ở tỉnh Quảng Ngãi trong đợt lũ vừa qua. Trước khó khăn chồng chất, người dân nơi đây bắt đầu lũ lượt rời quê vào các tỉnh phía Nam để kiếm sống.
Từ sáng sớm, tại ngã ba Châu Ổ - Trà Bồng, hàng trăm người lỉnh kỉnh túi xách, vali ngồi chờ xe khách.
Anh Phan Thanh Hoàng, 32 tuổi, ở đội 2, thôn An Điềm, xã Bình Chương, cho biết: “Gia đình tôi có 6 sào đất trồng lúa và hoa màu, lũ đã làm ngập trôi hết, giờ cả nhà không biết lấy gì ăn, đành phải vào Nam thuê đất trồng dưa, rủi ro lắm nhưng đành chấp nhận”.
Chị Nguyễn Thị Mai, ngụ xã Bình Mỹ, cho biết lũ lụt đã làm hư hại hết mọi thứ nên chẳng biết lấy gì sống, phải vào TPHCM bán vé số kiếm tiền nuôi con nhỏ, đến Tết sẽ về.
Các xã Bình Mỹ, Bình Minh, Bình Chương (huyện Bình Sơn) nằm ven sông Trà Bồng và cũng là vùng rốn lũ của Quảng Ngãi. Năm nay, đỉnh lũ cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2009 đến gần 20 cm.
Nhiều gia đình chạy lũ trở về nhà đã trắng tay nên không còn cách nào khác hơn là phải tha hương kiếm sống. “Hầu như nhà nào cũng có người đi. Đó là con đường sống của họ vào thời điểm này” - ông Lê Đình Hoàng, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội xã Bình Minh, nói.
Bình luận (0)