xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

M5: Cho đi, không được nhận lại

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Nhiều người dân tại tỉnh Kon Tum đang lo lắng vì góp vốn hàng trăm triệu đồng vào hệ thống “Cho đi - nhận lại: M5” mà không lấy được tiền

Công an tỉnh Kon Tum cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh theo mô hình đa cấp có dấu hiệu lừa đảo. Trong số này, mô hình kinh doanh dựa trên hình thức ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa một bên là Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại và Dịch vụ T.T (Công ty T.T) và một bên là cá nhân (còn gọi là các nhà đầu tư) để xây dựng và kinh doanh các dự án thuộc nhiều lĩnh vực như: hệ thống nhà hàng - quán nhậu bình dân; cà phê, karaoke; nhà nghỉ, khách sạn; trung tâm hội nghị tiệc cưới; cho thuê xe du lịch…

Đầu tư tiền không biết vào việc gì

Chị P.T.V, một người tham gia góp vốn với Công ty T.T, cho biết muốn tham gia góp vốn phải bỏ một khoản tiền với các mức như 5 triệu đồng, 50 triệu đồng, 100 triệu đồng, 1 tỉ đồng. Người tham gia được gọi là nhà đầu tư, nếu giới thiệu người khác cùng tham gia sẽ được hưởng từ 5%-10% giá trị hợp đồng, mức hưởng sẽ tăng lên khi giới thiệu được nhiều nhà đầu tư.

Cũng theo chị P.T.V, nếu tham gia góp vốn 5 triệu đồng thì 5 tháng sau, mỗi tháng sẽ được hoàn vốn hơn 400.000 đồng, đến khi nhận hết số tiền gốc sẽ được chia lợi nhuận từ 10%-20% số tiền gốc mỗi tháng. Chị V. đã góp vốn 200 triệu đồng. Đến nay, công ty mới hoàn lại được khoảng 50 triệu đồng thì ngừng và thông báo làm ăn thua lỗ. Bản thân chị V. chỉ góp vốn mà không hề biết Công ty T.T dùng tiền đó để đầu tư vào việc gì.

Theo chị V., hiện có nhiều người cùng tham gia góp vốn với số tiền lớn không được hoàn lại vốn và trả tiền lời.

Một người tham gia hệ thống M5 đang kiểm tra tài khoản của mình
Một người tham gia hệ thống M5 đang kiểm tra tài khoản của mình

Một nguồn tin của Báo Người Lao Động cho hay từ cuối tháng 6 đến nay, có hàng ngàn người dân tỉnh Kon Tum đã tham gia hệ thống “Cho đi - nhận lại: M5” (gọi tắt là hệ thống M5).

Anh Nguyễn Hoài Bảo (ngụ TP Kon Tum) cho hay người chơi hệ thống M5 được phân làm 5 cấp độ, từ M0 đến M5. Mỗi người tham gia sẽ được cấp một tài khoản trên trang web: vphp.biz. Sau khi có tài khoản, người tham gia sẽ được mua số mã pin tương ứng cấp độ với giá dao động từ 150.000-170.000 đồng. Tiền mua mã pin được người tham gia chuyển cho người cấp trên. Ví dụ, người tham gia cấp độ M0 sẽ mua mã pin của người tham gia cấp độ M1.

Sau khi mua mã pin 30 ngày, người tham gia sẽ chuyển 6,6 triệu đồng cho 3 người thông qua tài khoản ngân hàng được cung cấp trên trang web: vphp.biz. Chuyển tiền xong, sau 11 ngày, người tham gia sẽ nhận lại 7,98 triệu đồng (đối với M0).

“Một tài khoản M0 mỗi tháng chỉ được mua tối đa 4 mã pin để được chuyển 4 lần tiền, mỗi lần chuyển tiền cách nhau 11 ngày. Trừ tiền mua pin, mỗi tháng có thể lãi khoảng 7 triệu đồng cho một tài khoản” - anh Bảo nói. Ngoài ra, một người có thể dùng nhiều tài khoản ngân hàng để tham gia hệ thống hoặc mượn tài khoản của người khác.

Anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ xã Ya Chim, TP Kon Tum) khẳng định để lên cấp độ cao, người tham gia phải giới thiệu người khác cùng gia nhập hệ thống. “Muốn từ M0 lên M1 phải giới thiệu ít nhất là 5 người, lên M2 là 30 người. Người đứng đầu nhóm là M5, phía bên dưới có khoảng trên 1.000 người tham gia” - anh Hòa nói. Cấp độ càng cao thì mua được nhiều mã pin để chuyển tiền và tiền lãi mỗi lần chuyển sẽ cao hơn.

Từ khoảng 2 tháng nay, hệ thống web vphp.biz chỉ thực hiện được việc chuyển tiền đi chứ không nhận được tiền về. “Sau khoảng 3 tháng tham gia thấy trả tiền rất sòng phẳng nhưng 2 tháng nay đã chuyển hơn 50 triệu đồng mà tiền gốc và lãi đều không thấy đâu. Tháng thứ nhất không chuyển nên tôi hỏi cấp trên thì họ nói hệ thống đang nhiều người chơi, tháng sau sẽ trả lãi cộng dồn luôn nhưng đến giờ vẫn chưa thấy” - anh Hòa lo lắng.

Người bị hại nên báo công an

Theo Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, hợp tác được hiểu là cùng nhau thực hiện một công việc chung, cùng hướng tới một mục tiêu chung, chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi cũng như rủi ro. Tuy nhiên, theo nội dung các hợp đồng mà một số nhà đầu tư cung cấp thì hầu hết những người đầu tư đều mờ mịt về nội dung dự án. Về mặt pháp lý, hợp đồng góp vốn được xem là quan hệ dân sự giữa doanh nghiệp và cá nhân.

Ông Võ Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương, phân tích qua xem xét một số hợp đồng mà người dân cung cấp để ký kết với Công ty T.T thì thấy nội dung hợp đồng thiệt hại cho người dân. “Nội dung hợp đồng mù mờ, không nói rõ khi nào có lãi, lãi đó tính thế nào” - ông Sơn nói. Ông cũng khuyến cáo người dân nên xem xét kỹ nội dung hợp đồng trước khi ký kết.

Theo ông Sơn, hiện Sở Công Thương chưa nghe về hình thức M5. Tuy nhiên, đối với những người bị hại nên cung cấp bằng chứng như số lần nộp tiền, hợp đồng, phiếu chuyển tiền, đơn liên quan đến dịch vụ cho các cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi.

Một dạng đa cấp

Theo một người tham gia vào mô hình M5 đã bỏ cuộc, mô hình này hoạt động trên 1 phần mềm tự động gọi là Vphp.biz, không có người đứng đầu nhưng có 1 đội ngũ admin quản lý. Đây là một dạng của đa cấp vì lấy tiền của người vào sau trả lãi cho người vào trước và dòng tiền sẽ luân chuyển trong hệ thống. Tuy nhiên, người tham gia không phải bán hàng. Đội ngũ admin sẽ thu phí của người chơi thông qua hệ thống mã pin.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo