Như đã đề cập trong bài viết trước, ngay khi xảy ra vụ tự tử của cháu Ksor Sôn, một số báo và mạng xã hội thông tin nguyên nhân là do không có áo mới đi học và mặc cảm nhà nghèo. Tôi đã viết trên trang cá nhân và trên một tờ báo là không phải thế.
Chưa thể lý giải
Cái chết của cháu Ksor Sôn, như bao vụ tự tử khác, khó có thể lý giải được. Khi hay tin, tôi đã xuống tận nhà cháu để tìm hiểu sự việc và có thể khẳng định thực chất tự vẫn không phải vì chiếc áo và nghèo khó. Thực tế là cháu không chỉ có cái áo 130.000 đồng mà được gia đình đưa đi đặt may một chiếc áo mới đắt tiền hơn nhiều. Vả lại, hôm cháu tự tử cũng chưa đến ngày khai giảng để phải diện áo mới. Quả là nhà cháu rất nghèo nhưng ở làng thì còn nhiều nhà nghèo hơn.
Nhưng là một nhà thơ, nhà báo và với kinh nghiệm thu nhặt được qua các vụ tự tử, tôi cũng chỉ đưa ra lập luận như thế, còn lý giải nguyên nhân cái chết của cháu do đâu thì đành chịu. Ngay các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai cũng chưa đưa ra được kết luận.
Trên thực tế, không phải đến vụ việc cháu Ksor Sôn mà hàng chục trường hợp trước đó, đã có nhiều tranh luận về nguyên nhân dẫn đến xu hướng tự tử gia tăng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Nhiều người cho rằng đó là vì dân trí thấp nhưng hằng ngày, trên mặt báo vẫn xuất hiện những vụ tự tử của người Kinh mà chắc chắn dân trí không đến nỗi nào. Mới nhất là việc các chiến sĩ CSGT cứu một phụ nữ nhảy cầu tự tử vì... cãi nhau với chồng. Cách đây vài ngày là một tài xế taxi nhảy cầu tự vẫn ở huyện Đông Anh (Hà Nội), gây ra chuyện lùm xùm phóng viên bị hành hung khi đang tác nghiệp. Còn nhiều vụ tự tử không lý giải được hoặc lý giải mù mờ khác nữa, tôi cho rằng không hẳn là do dân trí.
Cũng có ý kiến cho rằng người dân tộc thiểu số dễ dàng tự tử là vì nghèo đói, bệnh tật. Thế nhưng, nhiều người có hoàn cảnh hết sức đáng thương, hết sức bí bách mà họ vẫn kiên trì sống, vươn lên. Xem chương trình “Lục lạc vàng” trên truyền hình, hoàn cảnh nào cũng làm ta rơi nước mắt. Hay vào các bệnh viện, khoa ung bướu, bệnh nhân ung thư vẫn kiên cường đấu tranh với bệnh tật, nhẫn nại sống cho đến ngày cuối cùng. Vậy thì nghèo đói cũng không hẳn là căn nguyên chính. Nói vậy để thấy nạn tự tử ở Gia Lai hay các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn là ẩn số.
Phải có cách giúp dân tin
Từ những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai thường xuyên theo dõi, tìm hiểu, nghiên cứu hiện tượng tự tử trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Theo nhận định của cơ quan này, trong những năm tới, Gia Lai vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức bởi các làng đồng bào dân tộc phát triển chưa kịp với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, tỉ lệ đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết không thuận lợi càng dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan. Hiện vẫn còn xảy ra tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng truyền bá mê tín, phao tin về ma lai, thuốc thư để trục lợi người già, phụ nữ, thanh niên không được học hành, những người ít có điều kiện tiếp xúc với xã hội văn minh trong đồng bào Jrai, Bahnar.
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Gia Lai, cho biết ban khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo trình Tỉnh ủy Gia Lai về tình hình trên, cũng như tham mưu triển khai các biện pháp tuyên truyền nhằm loại bỏ mảng tối tâm linh, hiện tượng ma lai, thuốc thư cùng vấn nạn bạo lực, tự tử ra khỏi đời sống xã hội.
Theo đó, đối với hiện tượng ma lai, xác định đây là vấn đề nhạy cảm, giải pháp đặt ra là trong quá trình tuyên truyền ở cơ sở, các cấp ủy Đảng, nhất là cấp xã, phải thực sự khéo léo, không để ảnh hướng đến tự do tín ngưỡng của đồng bào. Đặc biệt ở các huyện Kông Chro, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Pah, Chư Prông, nơi còn nhiều người tin có ma lai, phải lồng ghép các biện pháp phù hợp nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng gây mất an ninh trật tự xã hội.
Về thuốc thư, thường xuyên cắt cử cán bộ xuống các buôn, làng tiếp xúc người dân, nắm bắt đối tượng nghi vấn để tham mưu cấp ủy cho chủ trương, giải pháp tuyên truyền giúp dân nhận thức rõ những hậu quả nghiêm trọng do quan niệm có “thuốc thư” gây ra. Theo ông Hiệp, cần đưa tiêu chí nếu để xảy ra tình hình gây rối và tự tử do loại bùa chú này gây ra trên địa bàn nào thì cấp ủy Đảng ở đó không được bình xét thi đua cuối năm; người đứng đầu cấp ủy xã, bí thư chi bộ phải bị kỷ luật.
Ông Nguyễn Quang Cường, Trưởng Phòng Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, cho rằng cần tăng cường thông tin tuyên truyền các vụ việc liên quan đến ma lai, thuốc thư, các vụ tự tử; đồng thời phân tích, giải thích để người dân tin, thấy rõ những tai hại, hậu quả để lại cho người thân và gia đình.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cũng kiến nghị Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phòng, chống gây rối do thuốc thư và ngăn chặn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai.
Trong cuộc sống, có những việc ta có thể lý giải ngay được nhưng cũng có những việc hết sức mù mờ. Chuyện tự tử hàng loạt ở Gia Lai là một trong những việc mù mờ như thế. Dù sao cũng hy vọng những cái chết đáng thương như cháu Ksor Sôn sẽ không còn nữa...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-9
Bình luận (0)