“Căn bệnh” trên nào phải ít, nó ăn sâu vào nhiều cơ quan chức năng, được hiển hiện hằng ngày trong các báo cáo của nhiều cấp quản lý từ địa phương đến trung ương. Những yếu kém được tối giản đến mức thấp nhất, mơ hồ nhất; những chuyện làm được (nếu có) dù chỉ xíu xiu nhưng được khuếch đại trở thành những thành công to lớn. Đáng buồn hơn là lãnh đạo của những cơ quan cấp trên lại dễ dàng chấp nhận và sẵn sàng tập hợp những báo cáo như thế để báo cáo lên cấp cao hơn.
Ai cũng biết mỗi khi vào năm học mới, phụ huynh phải tất bật chạy trường, chạy lớp cho con vào lớp một. Thậm chí việc chung tiền để kiếm một suất học đang diễn ra ở không ít địa phương. Thế nhưng trong báo cáo của ngành giáo dục ở nhiều địa phương, đố ai có thể tìm ra một dòng nào nói đến thực trạng này. Tương tự, việc chung tiền mua đường của không ít hãng vận tải đâu còn lạ gì với người dân nhưng thử hỏi có mấy vụ được báo cáo cụ thể và xử lý. Còn việc chen chúc nhau vào các bệnh viện; nằm ghép, nằm ở hành lang... đang hiển hiện hằng ngày nhưng thực trạng này chỉ được nhắc thoảng qua trong các báo cáo của ngành y tế như kiểu “vẫn còn tình trạng nằm ghép...” hoặc “chưa đáp ứng hết nhu cầu của người bệnh...”.
Đau xót hơn, hàng triệu héc-ta rừng bị tận diệt, hàng triệu mét khối cát bị đào xới khỏi lòng sông đem bán, hàng ngàn mỏ khoáng sản ở miền Trung - Tây Nguyên đang bị tận thu... nhưng trong báo cáo của các địa phương chỉ là những dòng chữ hời hợt. Sự hời hợt này đã đẩy bao con người vào vòng khốn khó, mất đất, mất nhà vì mưa lũ; sông hồ bị biến dạng, lở lói...
Những ngôn từ trong các báo cáo thì càng “ảo diệu”. Từng câu chữ thừa sự mơ hồ, chung chung mà thiếu sự cụ thể, đích danh. Nếu thu ngân sách không đạt chỉ tiêu thì có thể được diễn đạt: “tình hình thu ngân sách chưa như mong đợi...”. Nếu tỉ lệ thất nghiệp cao thì được trình bày: “công tác giải quyết việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra...”. Tai nạn giao thông tăng thì báo cáo: “chưa khống chế được tình hình tai nạn giao thông...”. Tất nhiên, sau những câu chữ trên là liệt kê ra bao nhiêu là nguyên nhân khách quan để khỏa lấp những yếu kém.
Hậu quả của vấn đề này rất lớn, nó sẽ bóp méo thực trạng đang diễn ra và làm các cấp quản lý vô tình xa rời cuộc sống. Những nhu cầu bức thiết, những mong muốn chính đáng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bao người, sẽ bị lãng quên từ năm này qua năm khác. Những kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, của quốc gia dựa trên những báo cáo, số liệu thực tiễn. Nếu những báo cáo này không trung thực, lấp liếm để nâng cao thành tích thì những kế hoạch trên sẽ như thế nào? Kết quả sẽ không khó để hình dung.
Đã đến lúc thẳng thắn dẹp bỏ những báo cáo xa rời cuộc sống. Hãy nhìn vào thực trạng, đi vào thực tế để phục vụ người dân đúng với những nhu cầu chính đáng mà họ mong muốn. Dẫu sao người dân mới chính là người đóng thuế để trả lương cho cán bộ làm việc.
Bình luận (0)