“Tôi từng sử dụng rất nhiều loại, trước đây là heroin, sau này là thuốc lắc, rồi hàng đá. Có lúc tôi chơi với bạn ở vũ trường nhưng thường tôi thích vào căn phòng riêng của mình hơn: đóng kín cửa, bật nhạc thật to và tận hưởng cảm giác mình là vua của thế giới”. Trái với hình hài hầm hố của một thanh niên từng trải ăn chơi, đôi tay phủ đầy những hình xăm vằn vện, gương mặt của T.H.T.V thẫn thờ và buồn bã khi được bác sĩ trị liệu hỏi chuyện.
Cơn mê dài
Nếu V. không cất tiếng nói, khó có thể nhận ra sự tàn phá khủng khiếp của ma túy lên người thanh niên 29 tuổi cao ráo, sáng sủa ấy. Cha mẹ ly hôn từ năm anh lên 6, rồi đến năm anh 10 tuổi, người mẹ cũng lên đường đi nước ngoài tìm chân trời mới. V. ở lại sống với bà ngoại, cuộc sống sung túc, dư dả vì mẹ V. ở nước ngoài làm ăn rất thuận lợi. Nhưng tiền cũng là thứ duy nhất V. có được trong suốt tuổi thơ cô đơn, thiếu tình thương.
V. không còn nhớ mình nghiện từ bao giờ. V. chỉ có thể nhớ những ngày tháng trượt dài của một chàng trai trẻ dang dở học hành, đi làm nail, hớt tóc và sống xa hoa bằng khoản tiền mẹ gửi. Ma túy đối với V. là một thú vui tuyệt đỉnh. “Khi dùng thuốc, dường như mình không cần gì khác trên đời nữa.
Mỗi lần “đập đá”, tôi thấy trong người rất hưng phấn, hát theo nhạc mà thấy giọng của mình còn hay hơn cả ca sĩ, xung quanh là tiếng người vỗ tay, tung hô, bảo rằng tôi là nhất, tôi là vua. Đó là một cảm giác đê mê, tuyệt vời. Bởi thế, dù thuốc lắc hay hàng đá không nghiện như heroin, không dùng cũng không thấy đói thuốc nhưng cảm giác nhớ không gian đê mê ấy lại khiến mình thèm dùng lại ghê gớm” - anh kể.
Nhưng bên cạnh những ảo thanh xưng tụng mình, V. cũng bị những tiếng chửi rủa, hăm dọa “như là của ma” đeo bám. Hoang tưởng bị hại xuất hiện khiến V. bắt đầu nói lảm nhảm và luôn tin rằng có người muốn hại mình. V. quả quyết: “Ma ở trong phòng dọa đánh tôi, còn dọa giết tôi nhưng tôi không sợ đâu! Tôi nói với chúng là có giỏi thì xuất hiện đi, tôi sẽ đánh lại, giết lại!”.
T.H.T.V luôn mong chờ ngày ra viện để làm lại cuộc đời
V. kết hôn đã 2 lần nhưng cuộc hôn nhân nào cũng tan vỡ bởi không người đàn bà nào chịu nổi thói quen ăn chơi, nghiện ngập và các rối loạn tâm thần ngày càng nặng của anh. “Giờ tôi chỉ còn 2 đứa con gái nhỏ, một đứa lên 4, một đứa lên 6… Tôi chỉ mong sớm ra viện để gặp lại con. Hết bệnh rồi tôi sẽ lấy vợ, sẽ không chơi ma túy nữa…” – trong cơn mê dài, niềm khát khao một gia đình trọn vẹn có lẽ là thứ duy nhất V. chưa quên.
Còn bệnh nhân L.M.S, 28 tuổi, nhà ở quận 8-TPHCM luôn miệng bảo với bác sĩ rằng mình đã khỏi bệnh để được về. “Em nhớ con lắm. Mấy hôm nay tối vợ em mới chịu vô thăm, mà chỉ gặp chút xíu, đưa hộp đồ ăn rồi lại đi… Ở đây buồn quá, mà thực ra em đâu có bệnh, em bực mình gây lộn chút ở nhà mà ba mẹ lại bảo em điên, bắt vô” – S. khẩn khoản.
Khi được hỏi về một số triệu chứng thường gặp ở người bệnh tâm thần do sử dụng chất kích thích, ma túy, S. cũng nhiệt tình trả lời. Nhưng một lúc sau, như chợt nhận ra đây là một cuộc khám bệnh, S. nổi nóng với bác sĩ và cả chúng tôi: “Cái gì em nói không là không, em không có bệnh!”. Rất may, S. cũng dịu lại sau khi vị bác sĩ tìm cách trấn an. S. là một trong những bệnh nhân nặng nhất của khoa nội trú, trí óc của S. hầu như đã mờ mịt vì những hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh bao vây. Anh cũng thường xuyên rơi vào trạng thái kích động và rối loạn giấc ngủ triền miên.
Từ tâm thần đến tội ác
V.D.T (39 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận - TPHCM) được cơ quan chức năng đưa đến Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM một thời gian sau khi bị bắt vì tội mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy. Trong thời gian bị bắt, T. biểu hiện chứng hoang tưởng, ảo giác khá trầm trọng. Theo lời khai của N.V.C, một can phạm ở cùng phòng, từ ngày mới vào trại, T. đã phá giấc ngủ của mọi người, buộc các bạn tù phải dậy… tập thể dục và canh phòng giam, vì anh ta cho rằng có người đang muốn làm hại mình và mọi người. Ngoài ra, không ít lần T. ngồi rúm ró trong góc phòng khóc, nói lảm nhảm và thậm chí đòi tự tử.
T. đã tìm đến ma túy từ rất nhiều năm trước tại các cuộc vui thâu đêm nơi quán bar, vũ trường. Dần dà, để có tiền phục vụ việc ăn chơi, T. trở thành kẻ buôn ma túy. Giờ đây, không chỉ là kẻ tội phạm, T. còn phải đối diện với căn bệnh tâm thần nặng.
“Đây là lối mòn mà chúng tôi hay gặp ở những can phạm buôn bán ma túy: nghiện, cần tiền để mua thuốc nên bị lôi kéo vào việc bán ma túy, nặng nề hơn là như T., trở thành một đầu nậu ma túy, tiếp tục hủy hoại những thanh thiếu niên khác” - ThS -BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, cảnh báo. Ông cũng cho biết từ trước tới nay, trung tâm tiếp nhận khá nhiều ca giám định hình sự có liên quan đến người bị tâm thần do ma túy. “Thường gặp nhất là buôn bán ma túy và đánh nhau, ngoài ra còn có các án giết người, cướp giật, hiếp dâm…”.
Ma túy tổng hợp dễ gây ảo giác
Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, các loại ma túy tổng hợp được “dân chơi” chuộng sau này như các nhóm methyl-dioxy-methamphetamin, ketamin, methamphetamin… vốn là các chất dễ gây ảo giác nên con đường từ nghiện ngập đến bệnh tâm thần của người dùng cũng ngắn lại.
“Đáng lo ngại hơn là thời gian gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện những vụ buôn lậu các loại ma túy tổng hợp gây ảo giác mạnh hơn như LSD” (tiếng lóng của “dân chơi” là “bùa lưỡi” - PV). |
Kỳ tới: “Bóng ma” thế hệ mới
Bình luận (0)