xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mãi khắc sâu nghĩa tình đồng đội

HỒNG NHUNG

Gần 40 năm trôi qua, các thế hệ Thanh niên xung phong vẫn nhắc mãi những hy sinh, mất mát ở chiến trường biên giới Tây Nam và mong muốn thế hệ trẻ kế thừa, phát huy truyền thống oai hùng ấy

Cứ đến tháng 7 hằng năm, lớp lớp Thanh niên xung phong (TNXP) lại tề tựu ở Khu Tưởng niệm liệt sĩ TNXP (tỉnh Tây Ninh) thăm chiến trường xưa, ôn lại kỷ niệm và viếng những đồng đội ngã xuống ở chiến trường biên giới Tây Nam. Ông Nguyễn Văn Tuấn - cựu TNXP thuộc Liên đội 303, Đại đội 3, Tổng đội 3 - cũng vậy. Là 1 trong 2 chiến sĩ sống sót sau vụ thảm sát dã man 24 đội viên TNXP do bọn Pol Pot gây ra năm 1978, nay ông vẫn chưa thôi day dứt khi nghĩ đến những đồng đội vĩnh viễn nằm xuống, đổi lấy hòa bình cho nhân dân nước bạn.

Vết thương chưa bao giờ khép miệng

Ông Tuấn nhớ như in ngày 26-3-1977, ông rời Sài Gòn, chia tay những tháng ngày đội thúng bánh bò đi bán dạo, chính thức trở thành chiến sĩ TNXP của Liên đội 303. Đơn vị nhận nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, làm đường, tải thương ở chiến trường Campuchia. Khi ấy, ông vừa tròn 16 tuổi.

 

Các thế hệ TNXP ôn lại truyền thống hào hùng khi về thăm Khu Tưởng niệm Liệt sĩ TNXP ở tỉnh Tây Ninh Ảnh: VIỆT HÙNG
Các thế hệ TNXP ôn lại truyền thống hào hùng khi về thăm Khu Tưởng niệm Liệt sĩ TNXP ở tỉnh Tây Ninh Ảnh: VIỆT HÙNG

 

4 giờ ngày 22-7-1978, sư đoàn gần 100 quân của địch bất ngờ tràn vào bao vây khu lán trại của đơn vị ông. Quân diệt chủng với dao, búa, gậy, rìu... ùa vào chém giết. Trung đội 303 có 26 chiến sĩ TNXP với 1 khẩu súng, mỗi người một trái lựu đạn, vẫn quyết tử thủ đến cùng. Hết đạn, anh em nghe lệnh chỉ huy rút lui xuống hầm. Trong lúc chạy, một viên đạn ghim vào chân trái của ông. Mải mê chiến đấu, 30 phút sau, ông mới phát hiện mình bị thương, máu chảy đầm đìa. Lết vào trong lán, ông rớt nước mắt nhìn tiểu đội trưởng tắt thở trên tấm phản. Ngó qua lán của nữ TNXP, tay chân ông cứng ngắc, bất lực nhìn địch hành hạ, tra tấn các chị của mình. Tàn bạo, khát máu, bọn diệt chủng trói dàn ngang rồi xả súng hành hình. Từng chị, từng chị ngã sấp mặt xuống vũng bùn, mắt vẫn hướng kẻ thù mở to, sáng lên ánh lửa dũng cảm, quật cường. “Nghe tiếng gào thét của các chị, tôi biết các chị ngoan cường chống trả địch đến giây phút cuối cùng. Sau khi địch rút đi, dù bất tỉnh nhưng tôi vẫn cảm nhận sâu sắc cả chiến trường chỉ đọng lại máu và nước mắt hòa chung thành nỗi bi thương. Vết thương ở chân tôi đã lành từ lâu nhưng sự mất mát và nỗi bi thương ấy cứ tồn tại mãi, như vết thương chưa bao giờ khép miệng” - ông nghẹn ngào. Sau 2 năm điều trị, ông Tuấn xuất ngũ với mức thương tật 21%. Như bao cựu TNXP khác, ông trở về, tiếp tục vác trên vai thúng bánh bò, tất tả mưu sinh.

Nỗi đau của mẹ

Ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn còn may mắn khi an toàn trở về. Nhiều đội viên TNXP anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm xuống trên đất bạn. Để rồi, có những người mẹ phải lặn lội ra chiến trường tìm hài cốt của con. Đến lúc nhắm mắt xuôi tay, mẹ vẫn không nguôi đau xót. Câu chuyện về mẹ Ngô Thị Quới, mẹ liệt sĩ Dương Hữu Đức (chiến sĩ TNXP hy sinh ở biên giới Tây Nam) là điển hình như thế.

Trong căn nhà giản dị, ấm cúng, ảnh của liệt sĩ Dương Hữu Đức được người thân đặt ở nơi trang trọng nhất trên bàn thờ, bên cạnh ba và má. Anh em trong gia đình cùng nhau trông nom, bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Đồng đội, anh, chị, em, giờ là các cháu luôn nhớ đến hình ảnh chiến sĩ TNXP trẻ trung, nhiệt huyết của ông Đức 37 năm về trước.

Bà Dương Thị Tuyết Hoa, người con thứ ba của mẹ Quới, kể gia đình bà có 8 anh, chị, em. Ông Đức là con thứ tư. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, cả gia đình sục sôi hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng. Bà Hoa và người em trai thứ năm xung phong gia nhập lực lượng TNXP. Lúc ấy, ông Đức giúp ba làm lơ xe lo cho cả gia đình. Một thời gian ngắn sau đó, ông Đức cũng hòa vào đoàn quân TNXP ra hỏa tuyến. Lúc đi, hành trang của ông chỉ có lòng nhiệt tình, hăng hái và lời cổ vũ, động viên của má giống chị và em của mình. Ba chị em ở 3 đơn vị cách xa nhau. Vậy mà tuần nào má cũng bôn ba lên thăm, tay xách nách mang biết bao đồ ăn, thức uống. Đường sá ngày ấy hiểm trở, khó khăn, má chẳng bỏ qua phương tiện nào, từ đi bộ, xe lôi, leo lên xe bò của dân địa phương… để đến thăm con. Mỗi lần má lên, cả đơn vị có thêm niềm vui, tiếng cười, đồng đội của các con ríu rít gọi: “Má, má!”.

Nhận tin báo tử của con, má Quới chết lặng. Một mình má lặn lội đến hiện trường tìm hài cốt. Ôm con, má lặng lẽ quệt nước mắt. Từ đó, má cứ nhắc mãi chuyện em Đức đã đến hạn xuất ngũ vẫn nghe lời má, tình nguyện ở lại chiến trường thêm 3 tháng. Rồi chuyện ông Đức và cô hàng xóm thương nhau. Má hứa sau khi chiến tranh kết thúc sẽ tổ chức đám cưới cho 2 người. Cả 2 xung phong đi TNXP cùng một ngày. Bà Hoa nức nở: “Ba năm trước, lúc hấp hối má vẫn nhắc lại những chuyện này và căn dặn chúng tôi thay má hương khói cho em. Nước mắt má chảy ra, má đau lòng vì không mang em tôi toàn vẹn về nhà”.

Đến lúc tiễn chúng tôi về, bà Hoa vẫn khóc.

Ấm lòng đồng đội khó khăn

Những câu chuyện đau lòng mà bi tráng khắc sâu vào tâm tưởng của bao thế hệ TNXP. Đến hôm nay, cựu TNXP, thế hệ trẻ của lực lượng TNXP không ngừng phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần động đội.

Ở các quận - huyện, hội cựu TNXP tích cực hoạt động, giúp nhau vượt khó. Ông Lâm Kiến Dân - Chủ tịch Hội Cựu TNXP quận 11, TP HCM - cho biết hội Cựu TNXP quận 11 hiện có 458 hội viên. Phát huy tinh thần “TNXP - đồng đội mãi mãi”, từ năm 2014 đến nay, hội viên của hội vận động, đóng góp gần 900 triệu đồng xây 31 nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội, sửa chữa nhà dột nát. Ngoài ra, Hội Cựu TNXP quận còn hỗ trợ 10 hội viên vay vốn làm ăn (5 triệu đồng/gia đình). Từ nhiều năm nay, các hoạt động, như: trợ cấp khó khăn, trao học bổng cho con hội viên, tổ chức văn nghệ gây quỹ từ thiện... trở thành hoạt động thường niên của hội.

Là một trong những hội viên được Hội Cựu TNXP quận 11 hỗ trợ vốn thoát nghèo, ông Lưu Ngọc Vinh chia sẻ: “Nhờ có thêm 5 triệu đồng của hội hỗ trợ, tôi có đủ tiền mua xe máy. Gia đình bớt cơ cực hơn vì tôi có nghề xe ôm. Những ngày lễ, Tết, anh em đến thăm nhà, động viên gia đình tôi cố gắng lao động. Nghĩa cử cao đẹp ấy càng khiến tôi thấm thía tình nghĩa đồng đội, có thêm động lực làm việc”.

Tương tự, Hội Cựu TNXP huyện Bình Chánh, TP HCM cũng có nhiều hoạt động chăm lo cho đồng đội khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, tập thể cựu TNXP của huyện đã trao 173 phần quà (tổng trị giá 42,3 triệu đồng) cho hội viên nghèo và cận nghèo; trợ cấp khó khăn đột xuất cho 1 gia đình liệt sĩ, 10 hội viên khó khăn và 10 hộ dân nghèo ở địa phương với số tiền 8 triệu đồng. Ngoài ra, hội còn giới thiệu khám, mổ mắt miễn phí cho 6 hội viên; hỗ trợ kinh phí xây 3 căn nhà tình thương, 2 căn chống dột. Đến nay, Hội Cựu TNXP huyện Bình Chánh nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu do nhà nước trao tặng.

 

Uống nước nhớ nguồn

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nhiều thanh niên đã xung phong đi TNXP, ra chiến trường, phục vụ chiến đấu. Trong đó, các chiến sĩ thuộc Trung đội 3, Đại đội 1, Liên đội 5, Tổng đội 3 biên giới thuộc Lực lượng TNXP TP HCM nhận nhiệm vụ bảo đảm tuyến giao thông 10 km từ rừng Nhum (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) đến Koky Som (Campuchia). Các chiến sĩ TNXP còn tham gia chuyển pháo, rà mìn, vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm ra chiến trường. Lực lượng TNXP tại đây đã trực tiếp tham gia 96 trận đánh, tiêu diệt 1.200 tên địch, bắt sống 200 tên; phá hủy, thu giữ nhiều quân trang của địch. 99 cán bộ, đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh tại mặt trận khói lửa này.

 

Lãnh đạo Lực lượng TNXP TP HCM thăm hỏi mẹ liệt sĩ.Ảnh: VIỆT HÙNG
Lãnh đạo Lực lượng TNXP TP HCM thăm hỏi mẹ liệt sĩ.Ảnh: VIỆT HÙNG

 

Ông Trần Phú Lữ, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP, cho biết: “Hằng năm, Lực lượng TNXP TP tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, như: dâng hương tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ TNXP, chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh TNXP không tiếc máu xương ngã xuống, hy sinh vì lợi ích nước nhà”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo