icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mãi mãi không lớn khôn

Bài và ảnh: ANH THƯ

Những đứa trẻ chậm phát triển tâm thần được các cơ sở bảo trợ đón nhận, chăm sóc bằng tình người ấm áp

Trí não phát triển không hoàn thiện và nhiều khi cơ thể cũng không hoàn thiện nốt, cuộc sống của các em lắm gian nan, buồn tủi ngay từ những năm tháng đầu đời...
 
img

Các em chậm phát triển tâm thần tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật quận 4 học làm chổi trong giờ hướng nghiệp

 

Thân hình co quắp, khó cử động, các em chỉ biết chào khách bằng những đôi mắt đen tròn ngơ ngác như trẻ vài tháng tuổi. “Các bé tại đây đều đã mười mấy tuổi” – một trong ba cô giáo phụ trách lớp cho chúng tôi biết.

 
Khao khát tình thương
 
Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè là nơi nuôi dưỡng rất nhiều trẻ khuyết tật không gia đình, trong đó có nhiều em chậm phát triển tâm thần. Lớp học chúng tôi vào thăm là một căn phòng chừng 30 m2 đặt hơn chục chiếc giường sắt.
 
Gọi là lớp học, chứ thật ra các em chỉ có thể học cách ngồi cho các cô đút ăn hay làm một vài điều đơn giản vì đây là lớp dành cho trẻ chậm phát triển tâm thần dạng nặng. Các em hầu hết bị bỏ rơi. Có em được đặt trước cổng trung tâm. Có em được các bệnh viện đưa tới. Có em bị bỏ ở nhà thờ, được các xơ đem vào...
 
Cậu bé tên Hiên nhoẻn miệng cười và gọi mấy tiếng “cô, cô” yếu ớt không tròn chữ khi tôi đi ngang. Một tay Hiên co quắp hầu như không cử động được, tay còn lại cố níu lấy áo tôi, mắt hướng về con gấu bông đặt đầu giường, ra hiệu muốn tôi cùng chơi.
 
“Hiên vào đây từ khi còn ẵm ngửa. Cậu bé bị bỏ lại trong Bệnh viện Nhi Đồng 1. Chắc là ba mẹ bé thấy con ngơ ngác, lại co quắp, cứng đờ, không nuôi nổi...” – chị Hoa, một cô phụ trách lớp, ngậm ngùi kể.
 
Hiên năm nay đã 12 tuổi nhưng thân hình gầy guộc, bé nhỏ, chỉ như đứa trẻ 7-8 tuổi. Các cô cho biết em là đứa trẻ “khôn” nhất trong lớp. Chữ khôn ấy với một đứa trẻ chậm phát triển tâm thần chỉ đơn giản là việc phát âm một vài từ đơn giản, biết chơi với gấu bông, nhận biết được vài hình vẽ, màu sắc trong những bài học đáng lẽ dạy cho trẻ 3  tuổi...
 
Em bị bại não và những tổn thương này gây nên những khiếm khuyết về mặt tâm thần cũng như vận động. Đôi chân duỗi thẳng cứng đờ, hoàn toàn không cử động được, em không có khả năng ngồi hay tự xoay trở. Chỉ còn bàn tay phải, đôi mắt và nụ cười lúc nào cũng như níu những người khách lạ, cố tìm hơi ấm.
 
Niềm vui hiện rõ trong mắt các em khi có người chơi cùng, nói một vài lời ấm áp, cho dẫu các em không hiểu hết. Tình thương của các cô luôn tràn đầy nhưng ba người mẹ thì không thể chăm bẵm từng chút cho mười mấy đứa con cùng lúc nên những giao tiếp yêu thương là điều các em luôn cần và luôn thiếu.
 
Đôi mắt Hiên thoáng buồn lúc tôi tạm biệt. Vì khách đi rồi, thế giới của em, cũng như các bạn cùng cảnh ngộ, lại trở về co cụm trong chiếc giường có chấn song ngăn bốn phía, với mấy món đồ chơi quen cột ở đầu giường, nơi em đã và sẽ sống suốt cuộc đời...
 
img
Hoạt động trị liệu thông qua các trò chơi kỹ năng - trí tuệ nhằm hỗ trợ trẻ trong quá trình phục hồi.
Trong ảnh: Cô Trần Thị Tuyết Mai cùng cháu chơi trò xâu chuỗi hạt tại lớp bán trú
của Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động TPHCM. Ảnh: ANH THƯ
 
Những mảnh đời lay lắt
 
Những đứa trẻ chậm phát triển tâm thần đang theo học tại lớp bán trú của Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động TPHCM có phần may mắn hơn khi có cha mẹ hay người thân chăm sóc. Đây là nơi chủ yếu phục vụ cho trẻ khiếm khuyết về vận động do bại não.
 
BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Trẻ bại não thường bị rối loạn về vận động do những tổn thương ở não, như cơ thể co quắp, các chi yếu, khó điều khiển... Bên cạnh đó, bại não còn rất dễ gây ra những khiếm khuyết về mặt tâm thần, với một tỉ lệ không nhỏ”.
 
Cậu bé bại não D. là một trong những đứa trẻ “khôn” nhất lớp. Tuy nhiên, D. không thể phát âm rõ khi trò chuyện dù có thể hiểu khá tốt. Chân yếu, phải dùng nạng và nẹp chân khi di chuyển nhưng tay có thể cầm bút khá nên em cố gắng viết trên trang giấy từng nét rời rạc mỗi khi giọng nói không tròn chữ không đủ để biểu đạt.
 
Tuy “khôn” là vậy nhưng D. cũng mắc phải một rào cản lớn trong học tập. Cũng như đa phần các trẻ chậm phát triển tâm thần khác: em rất hay quên. Thỉnh thoảng, trong những bài học, có những từ em không thể đọc được. Cho dù em đã bước qua tuổi 12 và đã được học chương trình lớp 1 trong nhiều năm.
 
Có em trong lớp học này đã 14, 15 tuổi nhưng vẫn còn theo học chương trình lớp 1. Trí óc tổn thương không cho phép các em học nhanh và học cao như trẻ thông thường, cho dù các em chỉ là trẻ chậm phát triển tâm thần ở mức nhẹ hay trung bình.
 
Một phụ huynh có con chậm phát triển tâm thần đang theo học tại đây đã tâm sự: “Nhiều khi cũng buồn, khi thấy con người khác lớn lên từng ngày, còn con mình đầu óc mãi như trẻ nhỏ...”.
 
Bên cạnh đó, đa phần các em chậm phát triển tâm thần nặng sẽ trải qua cả cuộc đời với những nhận biết đôi khi còn kém hơn những trẻ 3-4 tuổi, và những mảnh đời lay lắt đó rồi sẽ sớm tắt theo quy luật nghiệt ngã của căn bệnh.
 
“Không có mấy em qua nổi tuổi hai mươi” – một cô chăm sóc trẻ chậm phát triển tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè ngậm ngùi.

 

Bệnh khởi phát trước 18 tuổi

 
Theo IDC-10 (tiêu chuẩn quốc tế về phân loại - chẩn đoán bệnh được áp dụng tại các nước thành viên WHO từ 1994), chậm phát triển tâm thần (hay còn gọi là chậm phát triển trí tuệ, thiểu năng trí tuệ) là một tình trạng ngưng phát triển hoặc phát triển không hoàn thiện hoạt động trí tuệ, đặc trưng bởi khả năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động và khả năng thích ứng xã hội.
 
Chậm phát triển tâm thần là một nhóm trạng thái bệnh lý khởi phát trước 18 tuổi, thường được chẩn đoán dựa trên chỉ số IQ của bệnh nhi (từ 70 trở xuống) hoặc qua các khiếm khuyết, suy giảm đồng thời trong hoạt động thích nghi với hiện tại liên quan đến ít nhất 2 trong các lĩnh vực: giao tiếp, tự chăm sóc bản thân, cuộc sống tại gia đình, các kỹ năng xã hội, quan hệ với người khác, sử dụng các phương tiện công cộng, trách nhiệm cá nhân, kỹ năng học đường, làm việc, giải trí, sức khỏe và an toàn. Chậm phát triển tâm thần có nhiều nguyên nhân: chấn thương, nhiễm trùng, nhiễm độc... trong giai đoạn bào thai và sơ sinh; các bất thường về di truyền, nhiễm sắc thể...

Kỳ tới: Nhọc nhằn hòa nhập

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo