Tình trạng băng nhóm côn đồ miệt vườn - đa phần có tiền án, tiền sự - lộng hành trong thời gian qua khiến dư luận bất an, bức xúc. Ngay cả nhà chủ tịch UBND xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cũng bị nhóm côn đồ ngang nhiên ném trứng thối. Rõ ràng, việc quản lý đối tượng cũng như phòng chống tội phạm của chính quyền, lực lượng chức năng địa phương có vấn đề.
Công cụ có nhưng không sử dụng
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), thực trạng trên phần nào có nguyên nhân từ việc quản lý xã hội của các cơ quan chức năng không nghiêm.
“Quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay trong nhóm quy định điều chỉnh về trật tự xã hội khá đầy đủ. Vấn đề là việc thực thi của cơ quan hành pháp có áp dụng đúng, đủ nhằm quản lý xã hội một cách chặt chẽ, hoàn chỉnh hay không. Công cụ có trong tay nhưng không sử dụng thì cũng trở nên vô hiệu, đối tượng vì thế mà coi thường” - luật sư Công nhận xét.
Khoản 1 điều 8 Luật Cán bộ - Công chức quy định nghĩa vụ của cán bộ - công chức là thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ sẽ bị xử lý, từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương đến buộc thôi việc. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng và có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 285 Bộ Luật Hình sự).
Với các đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng mà không xử lý hoặc xử lý không tương xứng, giúp chúng có cơ hội gây thêm tội thì cần phải xác định trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo cấp xã, huyện theo Luật Cán bộ - Công chức để xử lý phù hợp.
Trường hợp hành vi của đối tượng đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mà không bị xử lý, phải truy cứu trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan điều tra về việc“không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” (điều 294 Bộ Luật Hình sự). Các đối tượng sau khi mãn hạn tù thì công an xã, phường, thị trấn nơi họ có hộ khẩu hoặc cư trú chịu trách nhiệm quản lý.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới” và ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền phòng chống tội phạm giai đoạn 2012-2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phòng chống tội phạm không chỉ là nhiệm vụ của ngành công an mà cả hệ thống chính trị, toàn dân phải cùng tham gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi phòng chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, cần phải đầu tư và chỉ đạo quyết liệt. Địa phương nào không làm tốt công tác phòng ngừa, để tội phạm gia tăng thì bí thư, chủ tịch và thủ trưởng cơ quan công an phải chịu trách nhiệm.
Phân tích thêm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo điều 25 và 28 Nghị định 80/2011 về các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù; điều 17 Nghị định 94/2009 quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy, UBND và công an cấp xã là nơi tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng này. UBND và công an cấp quận - huyện đôn đốc, chỉ đạo cấp xã thực hiện việc quản lý, giúp đỡ các đối tượng nêu trên tái hòa nhập cộng đồng.
Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị ở các cấp cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện về công ăn việc làm cho các đối tượng này. Công an xã, phường, thị trấn tham mưu cho UBND cùng cấp quản lý người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai nghiện; chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của họ trong thời gian tái hòa nhập cộng đồng.
Phía gia đình của người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai nghiện phải có trách nhiệm quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống; kịp thời phát hiện, thông báo cho chính quyền, cơ quan chức năng địa phương về những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật của họ.
“Có thể nói, việc quản lý người chấp hành xong hình phạt tù, người cai nghiện trở về địa phương sinh sống là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên,về mặt quản lý nhà nước và trách nhiệm công vụ, người đứng đầu ở địa phương, nhất là ngành công an, khi để tội phạm xảy ra trên địa bàn thì phải chịu trách nhiệm theo Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 21 của Ban Bí thư, Nghị định 09 và Nghị quyết 37 của Chính phủ về phòng chống tội phạm. Trên thực tế, đã có nhiều trưởng công an ở các địa phương bị xử lý. Thời gian qua, lực lượng công an đã tổ chức nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm nhưng việc này cần phải làm thường xuyên, quyết liệt hơn” - luật sư Đức nhấn mạnh.
Mỗi xã, phường đều có trinh sát hình sự
Thượng tá Đoàn Văn Thanh - Trưởng Công an TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang - cho biết nhằm ngăn ngừa tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, Công an TP Mỹ Tho đã đưa về mỗi xã, phường một trinh sát hình sự để quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự. Ngoài ra, trên đường phố luôn có nhiều tổ trinh sát nhằm ngăn ngừa, trấn áp tội phạm và đã bắt giữ được nhiều nhóm đem mã tấu đi thanh toán nhau. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng, công an còn đưa những đối tượng này ra cảnh cáo trước dân.
Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cũng cho biết việc rà soát, kiểm soát, trấn áp những băng nhóm manh nha hoạt động trái pháp luật ở địa phương này được thực hiện thường xuyên, tổ chức chặt chẽ. Vì vậy, thời gian qua, tình trạng băng nhóm côn đồ, bảo kê hầu như ít diễn ra ở đây.
M.Sơn - X.Hoàng
Bình luận (0)