Chiều 4-2, Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã quyết định cho thôi giữ chức tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội (gọi tắt: Công ty Đường sắt Hà Nội) đối với ông Nguyễn Viết Hiệp sau khi ông đề xuất xin nhập 160 toa xe hàng cũ của Trung Quốc.
Họp nhanh, xử ngay
Tại cuộc họp trên, HĐTV VNR đã yêu cầu người đại diện phần vốn của VNR tại Công ty Đường sắt Hà Nội thực hiện biểu quyết tại HĐQT để hủy bỏ toàn bộ hoạt động khảo sát, nghiên cứu việc mua 160 toa xe hàng đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Về công tác nhân sự, cuộc họp thống nhất miễn nhiệm người đại diện 35% vốn của VNR tại Công ty Đường sắt Hà Nội đối với ông Nguyễn Viết Hiệp; giao cho người đại diện phần vốn tại Công ty Đường sắt Hà Nội biểu quyết tại HĐQT để ông Nguyễn Viết Hiệp thôi giữ chức tổng giám đốc công ty này và điều động, bố trí làm phó trưởng Ban Vận tải VNR.
Liên quan đến vụ việc, chiều cùng ngày, lãnh đạo VNR đã có thông cáo báo chí. Thông cáo nhấn mạnh: “Không có bất cứ văn bản nào cho phép đầu tư cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng”. Theo lãnh đạo VNR, Văn bản số 1442/ĐS-VTĐM ngày 3-6-2015 đơn thuần là văn bản hành chính nhằm trao đổi thông tin giữa VNR với Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc và không phải là văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư. Vì vậy, lãnh đạo VNR khẳng định việc đề xuất chủ trương nhập khẩu 160 toa xe hàng của Công ty Đường sắt Hà Nội mới chỉ đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu, chưa được HĐTV VNR xem xét quyết định.
“Tôi rất sốc”
Ông Nguyễn Viết Hiệp đã phản ứng như vậy khi trả lời báo chí. Ông Hiệp khẳng định công ty chưa thương thảo hay đàm phán gì với phía Trung Quốc về hợp đồng mua các toa xe cũ. “Sau khi nhận được lời giới thiệu mua hàng của phía bạn, chúng tôi tìm hiểu, xin ý kiến các bộ, ngành xem có đủ điều kiện mua không và thủ tục như thế nào, nếu được phép mới tiến hành đàm phán. Sự việc mới chỉ dừng lại như vậy” - ông Hiệp phân trần.
Theo ông Hiệp, các toa xe này được Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc chào hàng tại một hội nghị đường sắt quốc tế mới đây. Các toa tàu có tuổi đời từ 5 năm đến trên 20 năm, vẫn được sử dụng trên tuyến đường sắt liên vận giữa Lào Cai (Việt Nam) và Côn Minh (Trung Quốc). Xét thấy mức giá phía Trung Quốc đưa ra rẻ (200 triệu đồng/toa xe trong khi đóng mới ở Việt Nam là 1 tỉ đồng), trong khi Việt Nam phải thuê lại toa xe của Trung Quốc với mức giá khoảng 400.000 đồng toa xe/ngày để vận chuyển hàng hóa qua lại rất tốn kém nên Công ty Đường sắt Hà Nội cùng với Công ty Ratraco (một công ty con của VNR) đặt vấn đề với VNR để mua lại.
“Chúng tôi đang tính theo cách làm của con nhà nghèo. Mình ít tiền, nếu thấy lợi thì mua. Do không nắm chắc về quy trình nên tôi đã gửi công văn lên thẳng Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học - Công nghệ. Văn bản đó cũng chỉ để hỏi ý kiến để được hướng dẫn chứ không phải đề xuất bộ cho mua tàu luôn” - ông Hiệp bày tỏ.
Ông Hiệp cho biết khi làm văn bản có thể đã sai thẩm quyền, không báo cáo với VNR và nội dung văn bản không toát lên được vấn đề nên khiến nhiều người không hiểu cho rằng chúng tôi đi mua đồ cũ nát về sử dụng. “Việc bị yêu cầu cách chức khiến tôi rất sốc, khổ sở và xin rút kinh nghiệm sâu sắc qua sự việc này” - ông Hiệp nói.
Bình luận (0)