xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mất đất còn bị nợ tiền đền bù

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Sau khi bị thu hồi đất làm dự án, hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh mất đất sản xuất, nhiều người bị nợ tiền đền bù suốt 6 năm qua, đành đi làm thuê kiếm sống qua ngày

Ngày 29-4-2010, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định cho Công ty TNHH Liên hợp công - nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (Công ty Sao Đỏ) thuê 1.513 ha đất tại thôn 8 (xã Ea Lai, huyện M’Đrắk) để thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt. Ngay sau đó, UBND huyện M’Đrắk ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án đền bù đối với hàng trăm hộ dân. Tại thời điểm đó, tổng giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn dự án là 105,6 tỉ đồng.

Đánh đố người dân

Đến năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp hơn 50 tỉ đồng, Công ty Sao Đỏ chi hơn 20 tỉ đồng để huyện M’Đrắk trả cho người dân; còn lại khoảng 30 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ đất, cây trồng, vật kiến trúc trên đất thì nợ cho đến nay. Việc làm tắc trách này dẫn đến hệ lụy là bạt ngàn cao su, cây ăn quả, rừng trồng bỏ hoang suốt 6 năm qua, trong khi người dân khốn đốn vì mất thu nhập, phải đi làm thuê.

Hàng chục hộ dân với đơn từ khiếu nại đòi nợ UBND huyện M’Đrắk
Hàng chục hộ dân với đơn từ khiếu nại đòi nợ UBND huyện M’Đrắk

Trong căn nhà được nhà nước làm cho hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, anh Y Thuin Êban (ngụ xã Krông Jin, huyện M’Đrắk) buồn bã: “Năm 2009, mình bị thu hồi 4.200 m2 đất trồng lúa 2 vụ, tiền bồi thường được 155 triệu đồng nhưng mới được nhận 46 triệu đồng. Giờ ruộng chìm sâu dưới đập nước của Công ty Sao Đỏ, mình phải đi thuê ruộng của người khác làm”.

Ông Lê Văn Minh (ngụ thôn 10, xã Ea Lai, huyện M’Đrắk) cho biết: “Sau hơn 10 năm gây dựng, gia đình tôi tạo lập được trang trại 7,2 ha với các loại cây có giá trị như mít cao sản, dó bầu, cao su… Khi vườn cây bắt đầu cho thu hoạch thì chính quyền thu hồi đất rồi bỏ hoang. Theo tính toán, sau khi nhận được toàn bộ tiền đền bù, tôi sẽ mua đất sản xuất nhưng đến giờ chính quyền vẫn còn nợ 1,3 tỉ đồng khiến cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh khốn đốn”.

Bi đát hơn, gia đình ông Trần Ngọc Huy (ngụ thôn 1, xã Krông Jin) bị thu hồi hơn 15 ha đất sản xuất nhưng mới được bồi thường một phần, còn hơn 1,9 tỉ đồng vẫn tiếp tục chờ. Sau khi bị thu hồi đất, nhiều người trong gia đình phải dắt nhau qua tỉnh Gia Lai kiếm sống. “Suốt nhiều năm qua, gia đình tôi đã không đòi được nợ mà còn bị một kẻ lừa hơn 200 triệu đồng khi hứa sẽ nhờ lãnh đạo cấp cao giúp đỡ” - ông bức xúc.

Để giảm bớt khó khăn cho người dân, UBND huyện M’Đrắk cho phép họ sản xuất cây hoa màu ngắn ngày trên diện tích đất thu hồi nhưng cấm chặt các loại cây lâu năm. Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng (ngụ xã Ea Lai), đất của gia đình ông trồng rừng, cao su mà không cho chặt thì làm sao trồng hoa màu được. “Nói thế, khác nào chính quyền đánh đố người dân?” - ông băn khoăn.

Thậm chí, Ea Lai có khu đất trống, nhà máy mía đường tới đầu tư cho dân trồng mía. Song, do đất đã thu hồi nên UBND xã không xác nhận hợp đồng.

Mờ mịt tiền bồi thường

Chính quyền địa phương và nhà đầu tư thống nhất chia dự án làm 2 giai đoạn. Trong đó, 998 ha đất đã đền bù xong gọi là giai đoạn 1, còn 452 ha chưa đền bù dứt điểm là giai đoạn 2.

Ông Lương Văn Dũng, Trưởng Phòng Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi có cuộc họp, dự kiến điều chỉnh quy mô dự án của Công ty Sao Đỏ về khoảng 1.000 ha là diện tích đã đền bù dứt điểm. Còn gần 500 ha chưa đền bù xong thì giao cho UBND huyện M’Đrắk quản lý, chờ kêu gọi nhà đầu tư khác”.

Theo ông Võ Ngọc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, quan điểm của sở là số tiền hơn 50 tỉ đồng chi trả năm 2011 do tỉnh tạm ứng, Công ty Sao Đỏ phải hoàn trả ngân sách chứ không phải dự án do ngân sách chi trả. Như vậy, số tiền đền bù còn nợ của dân cũng thuộc trách nhiệm của Công ty Sao Đỏ.

“Xử lý như vậy mới đúng quy định, đồng thời bảo đảm sự công bằng giữa các nhà đầu tư. Không thể có chuyện ngân sách bỏ tiền giải phóng mặt bằng cho các dự án sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp” - ông Tuyên khẳng định.

“Công ty Sao Đỏ phải trả”

Theo ông Võ Ngọc Tuyên, không chỉ hoàn trả 50 tỉ đồng tiền ngân sách, Công ty Sao Đỏ còn phải trả khoảng 30 tỉ đồng tiền đền bù cho người dân còn thiếu. Nhận thấy Sao Đỏ có thể gặp khó khăn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã “chỉ đường” cho công ty và UBND huyện M’Đrắk lập hồ sơ xin vay Quỹ Đầu tư phát triển để trả nợ nhưng đến nay, huyện và công ty vẫn chưa có ý kiến gì. Trong khi đó, trả lời người dân, UBND huyện M’Đrắk nhiều lần cho rằng “huyện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề nghị bố trí kinh phí chi trả dứt điểm diện tích đất còn lại của dự án”.

Để làm rõ nguồn kinh phí chi trả còn lại thuộc trách nhiệm của ai, chúng tôi đã liên hệ UBND huyện M’Đrắk và Công ty Sao Đỏ nhưng không được trả lời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo