Liên tiếp thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện các vụ trả thù bằng "đòn bẩn" do ganh ghét trong làm ăn, kinh doanh gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Sẵn sàng đầu độc
Làm "dậy sóng" dư luận những ngày qua là vụ việc 2 phụ nữ hắt chất bẩn vào thịt heo ở Hải Phòng. Chỉ vì ganh ghét làm ăn mà sáng 11-5, bà Lê Thị Hoa (SN 1986) và Hoàng Thị Thanh Dung (SN 1970; cùng ngụ phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) đã hắt cả xô dầu luyn trộn phân heo và nước cống lên người và sạp thịt heo của chị Đỗ Thị Xuyến tại chợ Lương Văn Can (phường Máy Tơ). Công an quận Ngô Quyền đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để khỏi tố bị can đối với 2 phụ nữ này về tội "Hủy hoại tài sản".
Chị Đỗ Thị Xuyến, nạn nhân của một vụ trả thù mất hết tình ngườiẢnh: Trọng Đức
Trong khi vụ việc này chưa lắng xuống thì ở tỉnh Kiên Giang xảy ra vụ nghi đầu độc cá lóc bằng thuốc trừ sâu. Vài ngày trước, anh Nguyễn Trường Du (SN 1981; ngụ ấp 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) phát hiện đàn cá lóc chuẩn bị đến kỳ thu hoạch chết hàng loạt. Đến trưa 13-5, cá tiếp tục chết, nổi đầy ao. Anh Du lặn xuống kiểm tra thì phát hiện 1 chai thuốc trừ sâu. Nghi ngờ có người hãm hại nên anh Du trình báo công an. Vụ việc đang được Công an huyện Tân Hiệp khẩn trương điều tra. Ước tính, anh Du bị thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Nhật Thảo (SN 1955; ngụ xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), cách nay gần 2 năm, 2 ao cá trê của gia đình ông cũng bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu và thuốc diệt ốc bươu vàng. May mắn, nhờ ông giải độc kịp thời nên cứu được cá, chỉ thiệt hại 20 kg.
Qua điều tra, Công an huyện Vĩnh Thạnh xác định nghi phạm đầu độc 2 ao cá trê của gia đình ông Thảo là Nguyễn Nhật Toàn (SN 1984, cháu ruột ông Thảo). Toàn khai do ông Thảo bơm nước tràn sang ruộng nhà mình nên diệt cá trả thù.
Chuyện nhỏ thành lớn
Tại tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ "chơi bẩn" bằng cách phá hoại cây trồng gây thiệt hại lớn cho người dân. Chiều 10-5, gia đình chị Lương Thị Oanh (ngụ thôn 6A, xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) phát hoảng khi bất ngờ thấy vườn tiêu nhà mình tại khu vực Lồ Ô (thuộc xã Cư Amung, huyện Ea H’Leo) bị héo lá từ trên xuống. Theo chị Oanh, tổng cộng có 590 trụ tiêu xanh tốt, được trồng từ tháng 6-2014 (loại tiêu Vĩnh Linh) đang bắt đầu cho trái bói thì bị chết đồng loạt. Ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Gia đình nghi ngờ kẻ gian đã hạ độc tiêu nên trình báo cơ quan công an. "Gia đình đã phải vay mượn tiền đầu tư, bỏ ra biết bao nhiêu công sức mà giờ bị kẻ gian phá hoại, đẩy vào cảnh khốn đốn" - chị Oanh nghẹn ngào.
Tối 1-9-2016, trong lúc gia đình ông Đào Quang Thọ (ngụ xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức đám cưới cho con trai thì hệ thống âm thanh bất ngờ bị tắt. Gia đình kiểm tra và phát hiện dàn âm thanh bị ai đó đổ nước pha thuốc trừ sâu vào. Cùng thời điểm trên, người nhà ông Thọ phát hiện bể nước phục vụ đám cưới cũng nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Kiểm tra dưới đáy bể, người nhà phát hiện có một lọ thuốc trừ sâu. Theo nhận định của cơ quan chức năng, vụ việc có thể xuất phát từ việc gia đình ông Thọ không thuê rạp của các chủ rạp ở trong xã mà đi thuê của địa phương khác nên bị "dằn mặt".
Trước đó, cũng tại xã Đức Dũng, một gia đình tổ chức đám cưới cho con, do không thuê rạp cưới tại địa phương mà thuê của người nơi khác nên trong đêm, kẻ xấu đã đổ nước muối vào làm cháy cả một dàn loa trị giá hơn 20 triệu đồng. Ngay sau sự việc xảy ra, cơ quan công an vào cuộc và đã xác định được thủ phạm của "trò bẩn" trên là chủ một rạp cưới người địa phương.
Cũng vì cạnh tranh bất chính mà bà Hồ Thị Ngọc Điệp (ngụ quận 9, TP HCM) bỏ thuốc diệt chuột vào nồi bún riêu của hàng xóm. Vụ việc xảy ra vào cuối năm 2016, gây kinh động dư luận bởi nếu không phát hiện thì rất nhiều người sẽ trở thành nạn nhân của trò trả thù độc ác này.
Mù quáng trước ma lực đồng tiền
Luật sư Trần Văn Toàn, Đoàn Luật sư Hà Nội, phân tích việc sử dụng các "trò bẩn" trong cạnh tranh nhau như: đổ chất bẩn vào người, đánh cảnh cáo, chặt chân trâu bò… không những thể hiện sự nhẫn tâm, vô văn hóa mà còn vi phạm pháp luật hình sự ở nhiều tội danh khác nhau.
Theo luật sư Trần Văn Toàn, để hạn chế được những "trò bẩn" trong kinh doanh thì phải tăng cường giáo dục người làm kinh doanh, nhất là những đối tượng thiếu hiểu biết về pháp luật như các hộ dân buôn bán tự phát hoặc kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, cơ quan công an cũng cần phải xử lý thật nghiêm để làm gương cho người khác.
Còn chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tâm lý An Việt Sơn, cho rằng các hành vi gây hại cho người khác bao gồm sức khỏe, làm nhục, hủy hoại tài sản ngoài vi phạm pháp luật thì còn thể hiện sự vô lương tâm, trái với đạo đức xã hội, cần phải lên án mạnh mẽ. Nó xuất phát từ lối sống ích kỷ, tư lợi bản thân. Chính việc này góp phần "tiêu diệt" những việc làm tốt đẹp, có ích cho cộng đồng, xã hội.
"Sự phổ biến của nó cũng cho thấy mặt trái của cuộc sống hiện đại, đó là một bộ phận không ít người vì mù quáng trước ma lực đồng tiền mà bất chấp tình người, dễ sa vào vòng lao lý do không làm chủ được mình" - chuyên gia Nguyễn An Chất chia sẻ.
Phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
Luật sư Trần Văn Toàn cho rằng việc phá hoại hàng hóa của người khác thường phạm vào "Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản", theo điều 143 Bộ Luật Hình sự. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 40 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hay đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, những việc hắt chất bẩn ngay nơi công cộng là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, có dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại điều 121 Bộ Luật Hình sự. Trường hợp của của chị Xuyến là một điển hình.
Bình luận (0)