xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mật lệnh đồi A1

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng với ông Tô Quang Khoan, tổ trưởng tổ chế tạo bộc phá đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mọi việc như vừa mới xảy ra

Đã 56 năm trôi qua kể từ ngày ông Tô Quang Khoan nhận nhiệm vụ chế tạo khối bộc phá để tiêu diệt đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.  Những người đưa khối bộc phá vào tận sào huyệt của quân Pháp trên đồi A1 đã được lịch sử lưu danh nhưng những người chế tạo khối bộc phá ấy dường như ít người biết đến.

img
Hố bộc phá trên đồi A1, chứng tích chiến công của ông Khoan và các đồng đội


Nhiệm vụ tối mật


Nhắc đến Điện Biên Phủ, không thể không nhắc đến đồi A1- cứ điểm của quân Pháp năm xưa giờ đã trở thành một di tích giáo dục truyền thống. Trên ngọn đồi này, những chứng tích chiến tranh vẫn còn hằn in. Bên trên miệng hố bộc phá từng tạo ra tiếng nổ long trời lở đất cách đây 56 năm vẫn ghi rõ: “Hố được tạo thành do Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt, Nguyễn Văn Bạch giật nổ khối bộc phá nặng 960 kg lúc 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954. Sức nổ đã tiêu diệt một đại đội địch, sóng xung kích làm cho số quân địch còn lại choáng váng. Thừa cơ, Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 lúc 4 giờ 30 phút ngày 7-5-1954. Tiếng nổ của khối bộc phá còn là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ”.  


Với cựu chiến binh chiến dịch Điện Biên Phủ Tô Quang Khoan, hố bộc phá ấy gắn với một quãng ký ức đẹp nhất trong đời ông. Ông Khoan kể: “Những ngày đầu tháng 4-1954, tổ của tôi nhận được mật lệnh lên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng chỉ huy chiến dịch. Khi đó, chúng tôi rất hồi hộp và sau khi nhận mật lệnh thì 4 anh em thấy trên vai mình một sức nặng ngàn cân giống như trọng lượng quả bộc phá mà chúng tôi sẽ làm cùng với một vinh dự lớn lao”.


Ngày 4-4-1954, đợt tấn công thứ hai của quân ta vào cứ điểm Điện Biên Phủ - pháo đài mà quân Pháp ca ngợi là bất khả xâm phạm - kết thúc nhưng kết quả đem lại vẫn chưa như mong muốn. Địch vẫn cố thủ ở các điểm cao trên những quả đồi thuộc lòng chảo Điện Biên, đặc biệt là đồi A1, nơi tướng De Castries của Pháp chỉ huy toàn bộ đội quân viễn chinh điên cuồng ở đây. Khi đó, chỉ có ông Khoan và một số ít người nhận được nhiệm vụ tối mật chế tạo bộc phá cho đợt tổng công kích cuối cùng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng ý với phương án đào hào để đặt khối bộc phá lớn dưới đáy hầm ngầm của địch ở đồi A1. Nhưng vấn đề là ai sẽ làm khối bộc phá đó và thuốc nổ lấy ở đâu ra?


Những ngày Tết của cuộc đời


Những hồi ức về nhiệm vụ tối mật trở lại trong cựu chiến binh Tô Quang Khoan như một cuốn phim quay chậm: “Những người biết được công việc mà chúng tôi âm thầm làm trong thời điểm đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316 Lê Quảng Ba và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An”. Thời gian làm quả bộc phá rất gấp gáp, lại được giao cho “dân không chuyên” để giữ bí mật - ông Khoan vốn thuộc tổ cơ quan văn phòng – nên càng khó khăn. Tuy nhiên, đến ngày 20-4-1954, đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung đã được cử xuống để hướng dẫn 5 chiến sĩ, trong đó có ông Khoan, chế tạo bộc phá.


“Ngày làm bộc phá, đêm đào hào, mỗi ngày chúng tôi chỉ ngủ 3-4 giờ nhưng tất cả đều làm việc hăng say và rất khỏe” - ông Khoan nhớ lại. Cùng với vài chiến sĩ công binh của Trung đoàn 174, ông Khoan phải lo từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm cho quả bộc phá. “Chúng tôi phải mò ra cánh đồng Điện Biên tháo dỡ những quả bom chưa nổ do quân Pháp thả xuống để lấy thuốc. Tôi học hỏi việc tháo kíp, lấy thuốc súng trong những bài học thực tế như thế. Với những người mới lần đầu sờ vào bom mìn như tôi lúc đó, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể mất mạng ngay” - ông Khoan kể.


Thuốc nổ lấy về còn nguyên cả cục, cộng với vải dù nhiều màu thu của địch, kíp mìn... tất cả đã sẵn sàng để tạo ra “đột phá khẩu” vào sào huyệt kiên cố của Pháp. Để đóng gói được khối bộc phá tới 1.000 kg cũng là một thử thách với tổ trưởng Khoan và đồng đội. Ông bảo: “Việc làm bộc phá rất tỉ mỉ, đầu tiên phải đem giã nhỏ từng cục thuốc nổ lấy được, vải dù cắt thành những miếng 20 x 40 cm. Từ đây, tôi và anh em khâu lại và tạo ra những gói thuốc nổ nặng 2 kg.


Cứ mỗi gói như thế có một kíp mìn. Sau khi đóng được 10 gói thì lại phải lấy hai nẹp bằng tre hoặc bằng gỗ kẹp lại rồi lấy dây dù to cuộn thật chặt”.


Ngày ấy gian lao là thế nhưng mỗi lần kể lại, ông Khoan lại ví đó như những “ngày Tết của cuộc đời”. Ngay cả trong giây phút gian nguy nhất nhưng người lính khi đó mới 24-25 tuổi vẫn hình dung cuộc đời thật lãng mạn. Ông Khoan hồ hởi: “Công việc của chúng tôi bí mật nhưng không khí làm việc thì nhộn nhịp như gói bánh chưng ngày Tết vậy. Sẵn có vải dù, anh em tôi còn trang trí hầm đẹp lắm, nhìn ở ngoài vào trắng xóa như phòng mổ của bác sĩ. Chúng tôi còn tận dụng những sợi dây dù đủ màu sắc không dùng đến để đan  cho mỗi người một chiếc võng làm kỷ niệm”. Thế là khi quả bộc phá hoàn thành cũng là lúc những cánh võng xinh xắn ra đời trong căn hầm của những chàng trai trải qua hàng chục ngày trời ăn bộc phá, ngủ bộc phá và hít thở... thuốc súng.

img
Ông Tô Quang Khoan - người trực tiếp chế tạo quả bộc phá làm rung chuyển đồi A1

Ấn tượng về Bác và Đại tướng


Ông Khoan không sinh ra và lớn lên ở Điện Biên. Mảnh đất này chỉ gắn với đoạn đời binh lửa khốc liệt nhất nhưng lãng mạn nhất của ông. Dù vậy, sau này, ông đã ở lại Điện Biên khi chiến dịch thắng lợi theo chủ trương khai hoang và kinh tế mới. “Sau 56 năm gắn bó, tôi đã coi Điện Biên là quê hương thứ hai. Nhiều đồng đội tôi đã nằm lại ở lòng chảo toàn bom đạn năm xưa, nay đã là TP khang trang. Tôi muốn lúc nhắm mắt xuôi tay cũng nằm lại đây cùng họ”- ông nói.


Ông Khoan quan niệm rằng lịch sử trôi qua như một tia chớp và không phải ai cũng có vinh hạnh được “dự phần” vào những cột mốc chói lọi như chiến thắng Điện Biên Phủ. Cả cuộc đời ông sống thanh bạch, không bon chen bởi ông hiểu tài sản vô giá của mình chính là việc đã được góp phần nhỏ bé vào trang sử hào hùng của dân tộc. Vợ chồng ông Khoan có một căn nhà nhỏ ở phường Thanh Trường, bên kia sân bay Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ. Ông bà có hai người con gái đều lấy chồng xa nhà, trong đó một cô ở Hà Nội nên ông bà thỉnh thoảng cũng về thủ đô.“Lần nào đi Hà Nội tôi cũng ghé thăm Lăng Bác và Bảo tàng Quân đội” – ông Khoan cho biết.


Nhắc đến Bác Hồ, ông Khoan lại nhớ đến một kỷ niệm không thể phai mờ trong đời ông. Trước khi tham gia chiến dịch Trần Đình (tên gọi lúc ấy của chiến dịch Điện Biên Phủ), ông Khoan đã tham gia hai chiến dịch Thu Đông và Đông Khê năm 1950 trên chính quê hương Cao Bằng của mình. Cũng chính tại Đông Khê, ông Khoan đã có vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người trực tiếp tới để chỉ đạo chiến dịch và nói chuyện với bộ đội. “Khi đó chúng tôi mới nhập ngũ và cũng chỉ vừa được huấn luyện xong. Được nhìn thấy Bác, nhiều người còn không tin vào mắt mình vì Người giản dị quá. Bác còn động viên, thăm hỏi từng chiến sĩ. Có lẽ chẳng có lãnh tụ nào gần gũi, thân thương như vậy” – ông Khoan xúc động.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng để lại một ấn tượng sâu đậm trong tâm trí ông Khoan. Lần ấy, khi ông và các cán bộ của Trung đoàn 174 được gọi lên để giao nhiệm vụ, thấy các chiến sĩ lam lũ và lâu ngày không được... tắm, Đại tướng đã cho phép tất cả nghỉ ngơi tắm giặt thoải mái rồi mới bàn công việc. Sau đó, những người được giao mật lệnh chế tạo bộc phá công kích đồi A1 còn được dùng cơm với Đại tướng ngay tại hầm chỉ huy ở Mường Phăng. “Vị anh cả của Quân đội Nhân dân VN mãi mãi là biểu tượng của chiến thắng và là ngọn cờ để thế hệ chúng tôi và sau nữa đi theo” – ông Khoan nói.

Bạn chiến đấu của anh hùng Bế Văn Đàn


Có một chi tiết khá thú vị: Ông Khoan còn là bạn chiến đấu và là đồng hương của anh hùng Bế Văn Đàn, người lấy thân mình làm giá súng.


Ông Khoan xúc động: “Anh Đàn quê ở Quảng Hòa, còn tôi ở Quảng Hưng, tỉnh Cao Bằng. Anh Đàn vào quân ngũ trước tôi, rồi sau cùng vào Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 - đội quân chủ lực của chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh Đàn hy sinh trong trận Mường Pồn khi đơn vị chúng tôi phục kích địch ở Lai Châu. Tôi không chứng kiến hình ảnh anh Đàn hy sinh nhưng tôi nghe mọi người kể lại, trước khi chết, anh ấy lấy thân mình làm giá súng và hét lên: “Anh em có thương tôi thì bắn đi”. Sự hy sinh anh dũng của anh Đàn đã là bài học cho nhiều người chúng tôi trước khi bước vào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo