Sáng 10-7, trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, một xe khách giường nằm đột ngột tông sập nhà một hộ dân. Vụ tai nạn làm chủ hộ này và 4 người trên xe khách bị thương khá nặng.
“Trời kêu ai nấy dạ”
Ông Nguyễn Chí Quốc, một người sống ven Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Đức Phổ, cho biết ở khu vực này từng xảy ra hàng loạt vụ ô tô “mất lái” đâm sập nhà dân. Điển hình là vụ xảy ra giữa năm 2014 khiến 2 người nhà ông Nguyễn Oai tử vong.
“Bây giờ xe cũ rất nhiều nhưng tài xế chạy ẩu nên chuyện “mất lái” xảy ra như cơm bữa. Xe khách thì chạy bạt mạng, chẳng màng tính mạng người dân. Có nhà sống dọc quốc lộ như tụi tôi lo lắng, sợ hãi vô cùng” - ông Quốc bày tỏ.
Dù sống thấp thỏm, lo lắng nhưng theo nhiều người dân, họ không thể chuyển hoặc dời nhà đi nơi khác vì không có điều kiện. “Thấy nhà cửa cứ hứng trọn xe “mất lái”, dù lo sợ nhưng chúng tôi cũng phải ráng ở, trời kêu ai nấy dạ chứ biết chuyển đi nơi đâu bây giờ” - ông Trần Văn Hoài - ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ - thổ lộ.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua cũng xảy ra nhiều vụ ô tô tông vào nhà dân gây thiệt hại tài sản. Vụ mới nhất xảy ra rạng sáng 27-6 trên đường Trần Hưng Đạo, TP Huế. Thời điểm này, xe khách giường nằm đột ngột lao vào nhà số 5 và số 7 Trần Hưng Đạo. Nhà số 5 bị hư phần hiên, nhà số 7 bị hất tung cửa trước.
Trước đó, cũng tại Thừa Thiên - Huế, một ô tô tải lao vào tông sập 3 nhà dân ở xã Phong An, huyện Phong Điền. Nguyên nhân được kết luận là do “trời mưa, xe mất lái”.
Mới đây, ngày 5-7, trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, một xe tải đông lạnh đã lao vào quán nước ven đường khiến một nửa mái che sập đổ, bàn ghế bên trong tan tành. Trước đó, cuối tháng 1, trên Quốc lộ 26B qua tỉnh này, một ô tô khách bất ngờ lao vào quán cơm làm 4 người bị thương nặng khi đang ăn.
Tại tỉnh Đắk Lắk, khi đường Hồ Chí Minh được mở rộng, nhiều đoạn đi qua khu đông dân cư, lề đường sát nhà dân. Tại thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo, nhà cửa xây san sát bên đường. Nhiều nhà chỉ cách mặt đường 3-5 m.
Rạng sáng 13-4, gia đình ông Nguyễn Văn Toàn (Km 623, đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Ea H’leo) hốt hoảng vì nghe tiếng động lớn. Một xe khách sau khi va chạm với một xe khác đã văng một đoạn khoảng 20 m, đâm sập cổng nhà ông.
Nhiều người lấn hành lang an toàn đường bộ
Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo quy định thì quốc lộ, tỉnh lộ, đường trong đô thị đều có hành lang an toàn là dải đất dọc hai bên đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Tùy từng loại đường khác nhau mà phạm vi hành lang an toàn đường bộ có bề rộng tính từ đất của đường trở ra mỗi bên cũng khác nhau.
“Thực tế, nhiều người dân đã xây dựng các công trình lấn vào hành lang an toàn đường bộ nên một số sự cố giao thông đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Việc xây dựng này có thể do sự tham gia quản lý của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Do đó, các địa phương cần phải tăng cường quản lý và tuyên truyền cho người dân rõ” - ông Dần đề xuất.
Nâng cao ý thức lái xe an toàn
Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng các vụ tông sập nhà dân gây thương vong do ô tô “mất lái” chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của tài xế, chủ phương tiện. “Muốn hạn chế tình trạng này, trước tiên, mỗi tài xế cần nâng cao ý thức lái xe an toàn; chủ phương tiện phải đưa xe kiểm định, kiểm tra thường xuyên” - ông Đạt nhìn nhận.
Ông Trần Bá Trung, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng cho rằng nguyên nhân những vụ ô tô lao vào nhà dân đến từ người điều khiển phương tiện. Điều quan trọng là trên các tuyến đường lớn, như Quốc lộ 1, cần hạn chế tình trạng xây dựng nhà cửa lấn chiếm hành lang an toàn, đồng thời bảo đảm cơ sở hạ tầng giao thông.
Bình luận (0)