Thiếu tá Ngô Văn Dũng, Đội trưởng Đội Truy bắt đối tượng truy nã Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Nông, được nhiều người từng là tội phạm truy nã xem như ân nhân. Không những bắt được nhiều tội phạm truy nã, anh còn vận động không ít đối tượng trốn tránh ra đầu thú.
Bao dung người lầm lỡ
Trên chuyến xe mà thiếu tá Dũng tự tay cầm lái chở Hà Văn Yên (SN 1994; ngụ huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông - người hơn 5 năm trốn truy nã) và gia đình anh này đến dự phiên tòa vào cuối tháng 11-2016, tôi được dịp chứng kiến cách hành xử đầy nhân văn của anh đối với người lầm lỡ.
Suốt chặng đường từ huyện Đắk R’lấp vào huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông gần 100 km, thiếu tá Dũng luôn giải thích, động viên Yên và gia đình đón nhận bản án sắp tới cũng như hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp ngày mai. Đó là cách anh vẫn thường làm khi những tội phạm trốn truy nã về đầu thú.
Bà Vũ Thị Phương, mẹ của Yên, cho biết tháng 3-2010, lúc chưa đầy 16 tuổi, bị bạn bè rủ rê, anh đã đi theo rồi gây ra một vụ cố ý gây thương tích. Trong lúc công an đang điều tra, do gia cảnh hết sức khó khăn - cha bại liệt, anh trai bị tai nạn liệt 2 chân, chị gái bị hỏa hoạn co rút chân tay - nên Yên đã bỏ trốn đi làm thuê nuôi gia đình.
Xin được chứng minh nhân dân của một người bạn đã qua đời, Yên thay tên đổi họ rồi đi làm thuê ở nhiều tỉnh, thành. Sau khi bỏ trốn, hằng tháng, thông qua bạn bè, Yên đều gửi tiền về để giúp gia đình.
“Đầu năm 2016, thiếu tá Dũng thường xuyên tới nhà giải thích, vận động gia đình đưa Yên về đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Anh đã chỉ ra những cái được và mất nếu như cứ trốn truy nã và hứa sẽ giúp đỡ để Yên có một bản án nhẹ nhất. Vậy nhưng, do hoàn cảnh hết sức khó khăn, nếu Yên đi tù thì không ai làm nuôi gia đình nên chúng tôi cứ lần lữa. Một lần, anh Dũng tới chơi lúc gia đình đang ăn cơm. Thấy không có thức ăn gì, anh ấy đưa tôi 1 triệu đồng bảo mua món gì đó ngon ngon rồi lặng lẽ ra về. Chúng tôi cảm nhận được tấm lòng của anh nên động viên Yên về đầu thú” - bà Phương xúc động.
Phiên tòa xét xử Yên cũng đầy tính nhân văn của những người giữ quyền công tố và HĐXX. Sau khi đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ và những tình tiết giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Yên 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
Yên và gia đình đã bật khóc tại phiên tòa. Thiếu tá Dũng cũng nở nụ cười động viên Yên: “Pháp luật đã khoan hồng với em, đừng bao giờ để những người thân và anh thất vọng lần nào nữa. Hãy cố gắng làm việc để nuôi gia đình”. Gạt những giọt nước mắt, Yên khoe với chúng tôi: “Trong thời gian chờ xét xử, anh Dũng đã xin cho em được một việc làm ở xưởng cơ khí. Em sẽ cố gắng sống thật tốt để không phụ lòng anh ấy”.
Ông Nguyễn Tiến Thọ - Phó Chánh án TAND huyện Tuy Đức, chủ tọa phiên tòa - tâm sự: “Yên phạm tội lúc chưa đầy 16 tuổi, nhận thức hạn chế. Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, chúng tôi thấy hoàn cảnh gia đình Yên rất khó khăn. Trong thời gian trốn truy nã, Yên tu chí làm việc nuôi sống gia đình. Đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại nên chúng tôi đã cân nhắc đưa ra một bản án hợp tình, hợp lý”.
Thiếu tá Ngô Văn Dũng cùng gia đình anh Hà Văn Yên sau phiên tòa
Với ông Bùi Xuân (SN 1962, quê Bình Định), vốn là tội phạm bị truy nã vì tội giết người, giờ là những tháng ngày sống để trả nợ đời và mối ân tình mà thiếu tá Dũng dành cho ông. Năm 1992, ông Xuân vào huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông làm nghề lái xe chở vật liệu xây dựng cho một người quen. Một lần bị chặn lại xin tiền, ông không cho nên bị một kẻ đập vỡ kính xe rồi 2 bên xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, người này quay về hù dọa sẽ ném mìn vào nhà người quen của ông. Lo sợ, ông Xuân đã hẹn gặp để nói chuyện nhưng rồi xảy ra ẩu đả khiến người này tử vong.
Sau khi gây án, ông Xuân sống chui lủi ở TP HCM. Không vợ, không con, nghĩ cuộc đời mình không có gì vướng bận nên ông không đầu thú. Từ chút manh mối, thiếu tá Dũng biết ông đang trốn ở TP HCM nên nhiều lần tìm cách tiếp cận, động viên ra đầu thú. Sự chân tình của anh đã dần giúp đối tượng trốn truy nã này hiểu mình phải trả nợ đời.
“Năm 2005, tôi ra đầu thú và bị tuyên án 12 năm tù. Trong suốt quá trình ra đầu thú, xét xử và thi hành án, anh Dũng luôn lui tới động viên, giúp đỡ tôi. Mối ân tình ấy đã giúp tôi thông suốt, cố gắng cải tạo và được tha tù trước thời hạn. Sau khi hoàn lương, thấy hoàn cảnh của tôi khó khăn, anh Dũng đã tìm cho tôi một việc làm và hiện thu nhập ổn định 7 triệu đồng/tháng tại thị xã Gia Nghĩa. Để có những giây phút thảnh thơi như hôm nay, tất cả là nhờ anh Dũng đã dày công vận động, giúp tôi hiểu những điều mình nên làm. Tôi hy vọng những người lầm lỡ như tôi sớm ra đầu thú để được sự khoan hồng của pháp luật, sự bao dung của người đời” - ông Xuân bày tỏ.
Không ai muốn mình là tội phạm
Chỉ tính trong năm 2016, thiếu tá Dũng đã vận động được hàng chục đối tượng trốn truy nã ra đầu thú. Trong đó, nhiều trường hợp trốn truy nã nhiều năm nay.
Với ông Bùi Xuân, thiếu tá Ngô Văn Dũng thật sự là ân nhân
Quan điểm của thiếu tá Dũng là dùng tâm sức của mình để tác động đến gia đình, người thân nhiều lần, giải thích cho đối tượng truy nã hiểu chính sách khoan hồng của pháp luật, so sánh lợi và hại của việc đầu thú và trốn tránh. Tất cả đối tượng ra đầu thú được anh giúp đỡ nhiệt tình từ khâu chuẩn bị đầu thú, điều tra xét xử, thi hành án. Đặc biệt, trong lúc tại ngoại chờ xét xử hay thi hành án xong, họ đều được anh tìm việc làm, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Rất nhiều gia đình, đối tượng được thiếu tá Dũng vận động ra đầu thú giờ có mối quan hệ rất thân tình, coi anh như con trong nhà. Anh cũng là cầu nối giúp nhiều gia đình người bị hại và bị cáo hàn gắn vết thương.
Tâm sự với chúng tôi, anh Dũng cho biết: “Hơn 10 năm làm nghề này, tôi đã gặp vô số tội phạm từ đặc biệt nguy hiểm đến những người vô tình phạm tội. Dù ở khía cạnh nào, họ cũng là những người chịu thiệt thòi khi phải sống trong cảnh chui lủi, cô đơn, xa gia đình. Một trong những yếu tố quan trọng trong việc vận động đầu thú là “đánh” vào tâm lý của gia đình, giúp họ hiểu được nỗi khổ của người trốn truy nã và sự khoan hồng của pháp luật, từ đó vận động người thân ra đầu thú. Tôi nghiệm ra rằng, việc nhiều đối tượng không ra đầu thú là do chưa được làm tốt công tác vận động. Không ai sinh ra trên đời muốn mình là tội phạm. Khi họ đã quay đầu lại thì hãy cho họ một cơ hội, giúp được gì cho họ mà pháp luật không cấm thì cứ làm để họ làm lại cuộc đời”.
Không chỉ vận động truy nã giỏi, anh Dũng còn lập được nhiều chiến công xuất sắc trong việc truy bắt các đối tượng truy nã. Những đối tượng thay tên đổi họ trốn nhiều năm, cả nước ngoài nhưng cuối cùng anh vẫn tìm ra. Nhiều đối tượng khi phạm tội chưa có hồ sơ, dấu vân tay, chứng minh nhân dân… nhưng sau nhiều năm cũng bị sa lưới dưới tay anh. Để có được những chiến công như vậy, ngoài việc giỏi về nghiệp vụ còn cần có tính kiên trì. Thiếu tá Dũng từng đóng giả lâm tặc, ăn ngủ suốt nhiều tháng giữa rừng thiêng nước độc bên nước bạn Lào để bắt đối tượng truy nã.
Nhận xét về đồng nghiệp, đại tá Vi Đức Bảo, Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Nông, khẳng định: “Trong suốt quá trình công tác, anh Dũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chịu khó tìm hiểu những mối quan hệ của đối tượng truy nã, từ đó anh giải thích, vận động gia đình đưa họ ra đầu thú. Không chỉ truy tìm, lùng bắt, anh Dũng còn dùng cái tâm để vận động, thuyết phục đối tượng ra đầu thú. Vận động đầu thú giúp tiết kiệm sức người, sức của, giúp người phạm tội được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để họ sớm hoàn lương”.
Ra đầu thú để được đón Tết
Trong những ngày Tết cận kề này, liên ngành Công an - VKSND - TAND tỉnh Đắk Nông đã có thư kêu gọi đầu thú gửi tới các gia đình có người trốn truy nã.
Theo thư kêu gọi, gia đình cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình và động viên, giải thích cho đối tượng truy nã thấy được lỗi lầm, sớm tự giác ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng. Đối tượng truy nã ra đầu thú sẽ được bảo lãnh, đón Tết cùng gia đình.
Bình luận (0)