Công an Hà Nội vừa triển khai dự án nâng cấp Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi (giai đoạn 1), dự án được TP đưa vào chương trình mục tiêu chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2012-2015 và được đầu tư 231,569 tỉ đồng. Theo đó, phần lớn đèn tín hiệu giao thông của Hà Nội hiện hoạt động đơn lẻ, xanh hay đỏ dựa vào tính toán thủ công với nhiều chủng loại đèn, rất hay hỏng vặt do thời tiết khắc nghiệt… nên làm chậm tốc độ toàn mạng lưới, gián tiếp gây hỗn loạn, ách tắc và tai nạn giao thông. Đây là những lý do để một cơ chế vận hành điều khiển tín hiệu giao thông hoàn toàn mới ra đời.
Sau gần 10 tháng triển khai, đến nay, tại trung tâm đã lắp đặt xong 24 màn hình hiển thị, 4 máy chủ; 214/450 camera (gồm 29 camera quan sát giao thông, 150 camera đo đếm lưu lượng phương tiện, 35 camera giám sát xử lý vi phạm giao thông)… Khi hoàn thành, hệ thống sẽ có 50 bộ camera quan sát giao thông tại 50 nút, 300 bộ đo đếm lưu lượng và 100 bộ giám sát xử lý vi phạm.
Tính năng quan trọng của hệ thống camera này là quan sát hoạt động giao thông trên các tuyến đường. Ngoài ra, hệ thống còn có tính năng đo, đếm lưu lượng phương tiện giao thông để qua đó trung tâm điều khiển sẽ điều chỉnh tín hiệu đèn đỏ, xanh ở các nút giao thông cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả. Đây là thiết bị hiện đại có xuất xứ từ Mỹ, Thụy Điển, Hungary…
Đặc biệt, thông qua hệ thống camera, trung tâm có khả năng tự động phát hiện các phương tiện giao thông vi phạm và từ cảnh báo của hệ thống, trung tâm sẽ liên lạc ngay với CSGT ở điểm gắn camera để xử lý. Việc này rất cần thiết trong giờ cao điểm vì quan sát từ camera sẽ dễ nắm bắt tình hình hơn. Đáng chú ý, hệ thống camera còn phát hiện và ghi bằng chứng các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự (cướp giật, đua xe trái phép…).
Tăng tính kết nối linh hoạt
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hà Nội, cho biết hiện trung tâm vẫn chưa vận hành một cách chính thức. Bước 1 sẽ lắp đặt các thiết bị quan sát camera tại một số nút giao thông trong 4 quận nội thành. Sau khi vận hành, đánh giá mức độ hiệu quả, trung tâm sẽ có ý kiến với lãnh đạo Công an Hà Nội để báo cáo UBND TP và Bộ Công an cho nhân rộng ra ngoại thành. Việc đưa vào sử dụng trung tâm này nhằm từng bước phát triển hệ thống giao thông thông minh phục vụ quản lý, tổ chức và điều hành hiệu quả, an toàn cho giao thông trên địa bàn; tăng tính kết nối linh hoạt giữa các nút, đèn giao thông, đặc biệt là những nút giao thông trọng điểm; nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong chấp hành Luật Giao thông.
Bình luận (0)