Theo Trung tâm Quản lý điều hành đường hầm sông Sài Gòn (Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn) - Sở Giao thông Vận tải TP HCM, dự án lắp đặt camera giám sát các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn TP nếu được chấp thuận thì việc thực hiện sẽ hoàn thành vào quý IV/2015, kinh phí dự kiến là 2,8 tỉ đồng.
“Xử” 7 điểm ùn tắc
Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn cho biết qua khảo sát thực tế cùng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM (PC67), 2 bên đã thống nhất đề xuất lắp đặt 13 camera ở 7 nút giao thông thường xảy ra ùn tắc, gồm: giao lộ xa lộ Hà Nội - Võ Văn Ngân, xa lộ Hà Nội - Tây Hòa (quận Thủ Đức), Hoàng Minh Giám - Hồng Hà (quận Phú Nhuận), Phan Thúc Duyện - Phan Đình Giót, Trường Chinh - Âu Cơ (quận Tân Bình), Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và ngã sáu Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp).
Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn, những camera dự kiến lắp đặt sẽ bảo đảm quan sát liên tục, thực hiện chức năng quay quét room (PTZ) trong bán kính khoảng 300 m, có thể xoay để quan sát toàn cảnh hoặc tập trung vào một đối tượng cụ thể.
Ùn tắc ở ngã sáu Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TP HCM) sẽ được khắc chế nếu sử dụng “mắt thần”. Ảnh: Hoàng Triều
Ở mỗi vị trí lắp đặt, trung tâm thực hiện thuê bao đường truyền FTTH/Metronet của các nhà cung cấp dịch vụ như Viettel, VNPT… để truyền dữ liệu về trung tâm điều khiển. Sự cố giao thông được phát hiện thông qua hình ảnh video do những camera này gửi về, hiển thị trên hệ thống tường màn hình đặt tại Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn.
Tại đây, đội ngũ nhân viên trực sẽ theo dõi, giám sát và báo cho đơn vị quản lý, CSGT nếu có sự cố xảy ra. Hệ thống lưu trữ cũng bảo đảm ghi lại đồng thời dữ liệu của tất cả camera, có khả năng lưu trữ dữ liệu lớn kèm theo cơ chế sao lưu dự phòng, hạn chế tối đa khả năng thất thoát dữ liệu để có thể kiểm tra lại khi cần thiết.
“Việc lắp đặt camera sẽ giúp cơ quan chức năng quan sát kịp thời tình trạng giao thông để cung cấp thông tin đến các đơn vị quản lý cũng như lực lượng CSGT điều tiết, phân luồng và xử lý khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, dữ liệu còn giúp các đơn vị đề ra những giải pháp chống kẹt xe hiệu quả hơn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý các vi phạm về an ninh trật tự…” - ông Trung khẳng định.
Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng PC67 Công an TP HCM, việc khảo sát 7 điểm nóng kẹt xe để lắp đặt 13 camera dựa theo tiêu chí nút thắt, lượng phương tiện đông và tình trạng ùn ứ xảy ra liên tục...
Tự động kết nối
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, ở các nước, việc lắp đặt camera giám sát giao thông không có gì mới. Đây là một giải pháp tích cực để chống ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Tuy nhiên, TS Sanh cho rằng việc lắp đặt camera tại 7 nút giao thông ở TP HCM cần phải tính toán đến sự kết nối lâu dài, quy hoạch đồng bộ với cơ sở hạ tầng nhằm đạt hiệu quả cao và không gây lãng phí.
Giải đáp trăn trở của TS Phạm Sanh, ông Phong cho biết: “Hiện nay, hệ thống camera chỉ phát huy mức độ ghi nhận tình hình xử phạt. Tuy nhiên, 13 camera lần này sẽ “thông minh” hơn nhiều. Theo đó, camera ở đây không những làm nhiệm vụ giám sát mà còn tự động kết nối các tín hiệu đèn giao thông để điều chỉnh theo tình huống”.
Ngoài ra, theo ông Trần Chí Trung, hệ thống 13 camera này có khả năng nâng cấp và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để tích hợp những loại camera hiện hữu vào hệ thống phát hiện sự cố tự động, làm cơ sở để phát triển hệ thống giao thông thông minh sau này.
Đặc biệt, về lâu dài, hệ thống sẽ có phần mềm đo đếm lượng xe và tốc độ để truyền dữ liệu về trung tâm xử lý. Qua đó, trung tâm điều khiển sẽ có phương án điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông ở các giao lộ cho phù hợp và hiệu quả. Theo quy hoạch, hệ thống camera còn có khả năng tự động phát hiện các trường hợp vi phạm và cảnh báo lên trung tâm điều khiển để thông tin cho các đơn vị chức năng xử lý kịp thời…
Nhìn chung, hệ thống camera dự kiến lắp đặt tại 7 nút giao thông nêu trên cao cấp hơn so với những “mắt thần” thông minh được lắp thí điểm trên đường Võ Văn Kiệt (từ hầm vượt sông Sài Gòn đến Quốc lộ 1). Camera trên đường Võ Văn Kiệt chỉ có khả năng điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu theo tốc độ phương tiện di chuyển. Trong khi đó, ngoài khả năng này, hệ thống camera dự kiến lắp đặt còn có vô số tính năng siêu thông minh.
“Chúng có khả năng tích hợp, hiển thị hình ảnh HD nên sẽ rất hiệu quả trong việc giám sát giao thông. Hệ thống còn bảo đảm được việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hình ảnh trực tiếp đến các cơ quan chức năng thông qua mạng internet. Vì thế, các đơn vị dễ dàng phối hợp trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý các vi phạm khác” - ông Trung giải thích.
Theo nhiều người dân, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ tác động mạnh vào ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người đi đường, giúp giảm thiểu tai nạn và chống ùn tắc trên các tuyến đường.
“Có camera giám sát, những trường hợp vi phạm giao thông sẽ hết đường chối cãi. Nếu xảy ra tai nạn giao thông mà xe gây tai nạn bỏ trốn thì khi có camera cũng giúp lực lượng chức năng dễ truy tìm, xử lý. Tôi rất ủng hộ việc lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các giao lộ” - chị Nguyễn Hồng Ân, ngụ quận Gò Vấp, bày tỏ.
Trên 20.000 vi phạm bị camera “tóm”
Trung tá Huỳnh Trung Phong đánh giá việc dùng camera ghi hình phần nào giảm được áp lực cho lực lượng CSGT, đồng thời có bằng chứng khiến người phạm lỗi “tâm phục khẩu phục”. Từ đầu năm 2015 đến nay, trên 20.000 trường hợp vi phạm đã bị camera phát hiện, được trích xuất hình ảnh giao bộ phận giao liên của công an các quận gửi giấy mời phạt nguội.
Bình luận (0)