Chẳng những thế, không ít gói thầu sau khi được chỉ định đã đội giá đến chóng cả mặt; có gói đội từ 675 tỉ đồng lên hơn 800 tỉ đồng.
Nhằm giải quyết những bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Đấu thầu, Chính phủ đã ban hành những nghị quyết và hướng dẫn cho phép chỉ định thầu với các dự án cấp bách nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục và đẩy nhanh tiến độ. Việc chỉ định thầu nếu thực hiện đúng các quy định của pháp luật đã giúp cho các dự án được triển khai nhanh chóng hơn, nhất là đối với các công trình mang tính cấp bách.
Tuy nhiên, kể từ khi có chủ trương tháo gỡ trên, không ít địa phương, bộ, ngành đã tỏ ra “say sưa” với việc chỉ định thầu và tìm đủ mọi cách để lách đối với những gói thầu lẽ ra buộc phải tổ chức đấu thầu.
Không khó để nhận ra vì sao mà người ta lại tỏ ra “thích thú” và “hăng hái” tới vậy trong việc tìm cách để được chỉ định thầu. Chưa nói tới những việc làm sai trái, tiêu cực gây lãng phí và thất thoát thì việc chỉ định thầu đã làm mất đi cơ hội có thể lựa chọn được các nhà thầu có năng lực nhất, giá thành cạnh tranh nhất để mang lại hiệu quả cho dự án, giúp tiết kiệm cho ngân sách.
Chỉ định thầu vốn là hình thức mua sắm công kém cạnh tranh nhất và cực chẳng đã mới phải dùng tới. Vì thế, cần phải phát hiện và ngăn chặn ngay mọi kiểu lách luật để được chỉ định thầu bởi chí ít đã thấy rõ là kém cạnh tranh, còn nếu thực hiện không đúng có thể tạo điều kiện cho tham nhũng, thất thoát ngân sách và giảm hiệu quả đầu tư…
Bình luận (0)