Tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, Việt Nam huy động khoảng 10 máy bay, trong đó có có 2 máy bay đặc chủng mới được biên chế vào Quân đội Nhân dân Việt Nam là máy bay tuần thám hiện đại CASA-212 và thủy phi cơ DHC6.
CASA-212 là máy bay tuần thám hiện đại trang bị cho lực lượng Cảnh sát Biển; có thể trinh sát, phát hiện tàu chiến, tàu ngầm của đối phương bất kể ngày đêm. Đây là loại máy bay hiện đại thế hệ thứ 4 do Tây Ban Nha chế tạo với nhiều trang bị kỹ thuật hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, thiết kế nhỏ gọn, có sải cánh 20,2 m và chiều dài 16,1 m. Trang bị động cơ turbin cánh quạt cho phép CASA-212 hoạt động với tốc độ bay thấp và bay trên biển liên tục 7 giờ, có thể đạt tốc độ bay 360 km/giờ, tầm bay đạt 1.800 km, trọng tải cất cánh đạt 8,1 tấn. CASA-212 được trang bị các thiết bị cho tầm kiểm soát 80 km và có khả năng tìm kiếm, theo dõi mục tiêu đa chế độ bất kể ngày, đêm.
DHC6 là thủy phi cơ đầu tiên của Quân chủng Hải quân Việt Nam, tiếp nhận vào tháng 10-2013, do Công ty Viking (Canada) sản xuất, có tốc độ bay tối đa là 300 km/giờ; tầm hoạt động xa nhất có thể lên tới 1.832 km; thời gian bay lâu nhất là 8,76 giờ và có thể cất cánh, hạ cánh trên đường băng ngắn, ở cả những đường băng cỏ, đất, cát và tất nhiên cả trên mặt nước.
Thủy phi cơ DHC6 được biên chế chính thức cho Không quân - Hải quân Nhân dân Việt Nam để tuần tra, tuần thám, bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển, đảo; tham gia chở khách, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
l Trong ngày 10-3, có khoảng 15 hãng thông tấn, đài truyền hình và các tờ báo Trung Quốc có mặt ở Phú Quốc với lượng phóng viên gần 100 người. Những cơ quan lớn như Tân Hoa Xã, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Nhân Dân nhật báo, Phoenix TV, China News Service… đều đang có mặt. Phóng viên Yan Hao của Tân Hoa Xã cho biết: “Sân bay Phú Quốc là địa điểm tập trung đông phóng viên Trung Quốc nhất. Riêng nhóm chúng tôi có 6 người đã túc trực ở đây gần như 24/24 giờ qua để chờ đợi những tin tức mới nhất”. Theo Yan Hao, người Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới đều đang hồi hộp từng phút với những tin tức về chiếc máy bay mất tích.
Phóng viên Wang Shuang của CCTV thường trú tại Việt Nam đã trở thành đầu mối quan trọng để phóng viên Trung Quốc khai thác thông tin từ những đầu mối khác nhau nhờ vốn tiếng Việt khá tốt. Wang Shuang khẳng định giới truyền thông quốc tế đang được tạo điều kiện để tiếp cận thông tin khá tốt. “Phía Việt Nam đã hỗ trợ khá tốt các cơ quan báo chí... Tôi là một người Trung Quốc và tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn chân thành sự nỗ lực của các bạn trong vụ này” - Wang nói. n
Bình luận (0)