Sau buổi giao lưu ngắn ngủi với chiến sĩ Trung đoàn 152, đại tá Đậu Khải Hoàn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, đưa đoàn đại biểu Ủy ban MTTQ TP HCM đến thăm Trạm Rađa 610 trên đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang.
“Người lính của dân”
Trạm Rađa 610 nằm trên một đỉnh núi ở đảo Thổ Chu. Đoàn chúng tôi đi được khoảng 4 km thì đã thấy đại úy Nguyễn Hoàng Quang, Trạm trưởng Trạm Rađa 610, cùng các chiến sĩ ra đón. Đã từng nghe kể về đại úy Quang nên sau khi hai bên thăm hỏi, tặng quà…, chúng tôi tranh thủ tìm gặp người lính đảo tiêu biểu ở Thổ Chu này.
Đại úy Nguyễn Hoàng Quang cho biết năm 2007, anh tự nguyện rời quê Thanh Hóa để vào Nam, ra đảo Thổ Chu cùng chiến sĩ nơi đây canh giữ biển đảo. “Thời gian đầu mới ra đảo công tác, chứng kiến cảnh người dân thiếu thốn nước vào mùa khô, gặp nhiều khó khăn vào mùa biển động, tôi rất trăn trở. Trước tình hình đó, tôi đã mày mò tìm ra phương pháp trồng rau xanh, tích lũy nước sạch để sử dụng lúc thiếu thốn, đối phó khi biến đổi khí hậu nhằm giúp chiến sĩ và người dân trên đảo” - anh nhớ lại.
Với những đóng góp ý nghĩa đó, đại úy Nguyễn Hoàng Quang được người dân trên đảo Thổ Chu rất biết ơn. Họ quý mến gọi bằng cái tên thân thương là “người lính của dân”. Anh còn mày mò, nghiên cứu sáng tạo hệ thống rađa mới, góp phần quan trọng trong việc quản lý vùng biển đảo của Tổ quốc. Với thành tích ấy, anh đã nhận được danh hiệu Trạm trưởng rađa tiêu biểu xuất sắc quân chủng năm 2014-2015.
Đại úy Quang bộc bạch cũng như bao chiến sĩ khác, nỗi nhớ quê nhà, vợ con là điều không thể tránh khỏi khi ra đảo. Sau những lúc làm việc mệt mỏi, anh lại gọi điện về gia đình tâm sự với vợ con cho vơi đi nỗi nhớ. “Thế nhưng, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình để vượt qua. Dù thời gian ở bên gia đình rất ít nhưng chính sự động viên của vợ con đã tiếp thêm động lực cho tôi hoàn thành nhiệm vụ” - anh bày tỏ.
Đi chung với đoàn, ông Nguyễn Trường Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu, không khỏi tự hào khi kể về những đổi thay đang diễn ra từng ngày trên hòn đảo này. “Thổ Chu là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam, có vị trí chiến lược rất quan trọng để bảo vệ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Dân số trên đảo giờ khá đông với 544 hộ - 2.031 người, sống chủ yếu bằng nghề đi biển và buôn bán. Cơ sở hạ tầng ở Thổ Chu ngày càng hoàn thiện với các công trình như trường học, công sở, các điểm du lịch hấp dẫn… Khó khăn về phương tiện đi lại giữa đảo với đất liền cũng được khắc phục; điện, nước được đầu tư đầy đủ phục vụ chiến sĩ và ngư dân sinh sống trên đảo”.
Nỗ lực vươn lên
Đại úy Nguyễn Hoàng Quang cho biết Trạm Rađa 610 được thành lập ngày 26-12-1976, chẳng bao lâu sau khi đất nước thống nhất. Từ đó đến nay, sĩ quan, chiến sĩ của trạm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ khi kết nối thông tin nhanh với các lực lượng trên đảo, nắm chắc tình hình trên không, phát hiện các mục tiêu để báo về chỉ huy Vùng 5 Hải quân.
“Vùng biển đảo Thổ Chu có vị trí rất quan trọng, tiếp giáp các nước Thái Lan, Campuchia, Malaysia…, có đường hàng hải quốc tế với nhiều chủng loại tàu thuyền hoạt động. Dù gặp nhiều khó khăn vào mùa khô và mùa biển động song với quyết tâm cao và đoàn kết, các chiến sĩ ở đây luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ” - đại úy Quang khẳng định.
Theo Trạm trưởng Trạm Rađa 610, dù khó khăn, cán bộ, chiến sĩ ở đây vẫn thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng kiểm soát vùng biển; không lơ là, chủ quan, luôn theo sát mọi diễn biến ở khu vực mình phụ trách. Trạm đã chủ động tập luyện và tổ chức khai thác, vận hành hiệu quả hệ thống rađa bảo vệ vùng biển.
Với sự nỗ lực vươn lên không ngừng, đại úy Nguyễn Hoàng Quang và đồng đội đã vinh dự được nhận danh hiệu Đơn vị Quyết thắng liên tục trong vòng 15 năm (2001-2015). Đặc biệt, năm 2012, trạm được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3; năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen…
Những năm qua, thực hiện phong trào “Địa chỉ tình thương”, cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa còn tổ chức quyên góp, hỗ trợ gạo cho ngư dân nghèo, tặng quà cho gia đình chính sách trên đảo Thổ Chu.
Vị trí đặc biệt
Quần đảo Thổ Chu có diện tích hơn 16,5 km2, riêng đảo Thổ Chu rộng khoảng 14 km2. Theo ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, đảo Thổ Chu có vị trí hết sức đặc biệt trong chiến lược bảo vệ vùng biển Tổ quốc, trong đó người dân là lực lượng quan trọng để xác lập chủ quyền biển đảo.
“Lần đầu tiên đặt chân lên hòn đảo này, chúng tôi mới hiểu hết được sự thiếu thốn nhưng một lòng vì nước quên mình, vì dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân. Lãnh đạo và người dân TP HCM chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn đó. Mong các đồng chí luôn vững chắc tay súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ và có những sáng tạo đóng góp chung vào sự phát triển trên đảo Thổ Chu, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - ông Năng gửi gắm.
Bình luận (0)