Hình ảnh đám mây phóng xạ ngày 26-3 (Nguồn: Bộ KH-CN)
Tối 24-3, Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 (Bộ KH-CN) cho biết hình ảnh mô phỏng đám mây phóng xạ vùng Đông Nam Á cho thấy đám mây phóng xạ hiện đang có một hướng di chuyển xuống phía Tây Nam đối với vị trí của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1.
Ngày 25-3, đám mây này sẽ bao trùm lên phía nam Phillipines. Dự đoán cho tới hết ngày 25-3, đám mây phóng xạ vẫn chưa đi qua lãnh thổ Việt Nam và nồng độ hạt nhân phóng xạ có xu thế giảm dần.
Các trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường thuộc Bộ KH-CN không ghi nhận việc phát tán phóng xạ ở Việt Nam trong ngày 24-3. Tuy nhiên, các trạm quan trắc này đã sẵn sàng để có thể cảnh báo sớm mức độ phóng xạ trong các đám mây khi chúng tới nước ta.
Dự báo di chuyển đám mây phóng xạ đối với nhân phóng xạ I-131
và Cs-137 ngày 25-3 (Nguồn: Bộ KH-CN)
Ngày 24-3, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ cho 2 công dân Việt Nam (1 lưu học sinh ở Saitama và 1 người sang dự hội thảo tại Ibaraki). Kết quả, không phát hiện thấy đồng vị phóng xạ I-131 và Cs-137 trong cơ thể của những người này.
Sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến vẫn còn phức tạp, khói trắng lại phát ra từ cả 4 tổ máy trong sáng 24-3, đặc biệt Tổ máy số 1 lần đầu tiên xảy ra hiện tượng này. Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ KH-CN sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời.
Bình luận (0)