Hên đâu không thấy, ngay hôm sau, giá vàng đâm đầu đi xuống, lỗ chỏng gọng!
Vía Thần Tài là chuyện của người Trung Quốc. Trước năm 1975, người Hoa ở Chợ Lớn thường cúng vía này, sau đó lan sang những người Việt làm nghề kinh doanh, còn giờ đây nó lan cả nước, thành mê tín. Ngày Thần Tài nảy sinh lắm việc mê tín, như cúng bái, mua vàng, thậm chí vé số đuôi 39, 79 - được xem là những số thần tài - bị “cháy” từ hôm trước!
Đó là chuyện mê tín “đời mới”! Ngay cả chuyện ngày đầu tiên ngân hàng làm việc trở lại sau Tết, tại Hà Nội và nhiều địa phương, nhiều người rồng rắn xếp hàng để tìm cách giao dịch, gửi tiền vào tài khoản để lấy hên, cũng là một kiểu mê tín “đời mới”! Chuyện tranh nhau cướp lộc mà mấy ngày qua mạng xã hội sôi sục, ầm ĩ cũng vậy, biểu hiện thái độ mê tín mông lung, vô bổ.
Ngay cả chuyện ngày nay người ta đi lễ đền, chùa để cầu lợi với hy vọng được buôn may bán đắt, trở nên giàu có... cũng là dạng “mê tín đời mới”, tính thực dụng rất cao chứ không còn ý nghĩa tâm linh nào cả. Việc xin ấn đền Trần, chẳng hạn, cũng chẳng phải vì tâm linh, vì tấm lòng thành kính nào đó mà vì lợi danh của chính mình, của gia đình mình. Vụ lợi nên bất thiêng.
Một vị khách nước ngoài trố mắt ngạc nhiên khi biết chùa Hương trẩy hội đến 3 tháng ròng rã, thu hút gần 1,5 triệu khách hành hương, thu về khoảng 100 tỉ đồng! Họ còn rất ngạc nhiên khi thấy nước ta có nhiều chùa quá lớn.
Trong tác phẩm “Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX” của thiền sư Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha, xuất bản năm 1952, tác giả kêu gọi tăng sĩ phật tử nên lao động tự nuôi sống mình bằng các nghề làm ruộng, công nghệ, giáo dục, y tế; học và thực hành Phật giáo nhân gian, giúp dân, giúp người. Lời kêu gọi ấy cho đến nay vẫn rất thời sự, khi mà giờ đây những cơ sở tôn giáo hoành tráng ở những vị trí đắc địa; những đền thờ nguy nga, tráng lệ đã làm cho niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng cũng rất khác so với trước đây.
Đi quá, bước qua khỏi niềm tin, đó là sự mê tín. Chuyện tranh cướp lộc ở đền Gióng, chùa Hương, chuyện mê mẩn thần linh (điều mà chính Khổng Tử cũng khuyên “kính quỷ thần nhi viễn chi”) là biểu hiện của sự thiếu tự tin khi cậy vào thế lực siêu nhiên để cầu lợi ích về vật chất.
Đi chùa, viếng đền mà vụ lợi thì bất minh. Chỉ nên đến đó để tự nhìn lại mình, hướng thiện, cầu an, để tâm được tịnh. Bên cạnh đó, nên quy hoạch lại hệ thống lễ hội, không nên nâng tầm nhiều lễ hội địa phương lên tầm quốc gia, không kéo dài thời gian lễ hội, đặc biệt là không được thương mại hóa lễ hội. Phải biến lễ hội thành hoạt động văn hóa đích thực, chùa chiền là nơi thờ Phật chứ không phải là nơi cầu danh, cầu lợi. Còn về tài lộc, hãy tin vào bàn tay, khối óc của chính mình.
Bình luận (0)