Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam:
Đắt nhất khu vực
Tôi đã nhiều lần kiến nghị về việc ngành vận tải phải gánh quá nhiều loại thuế, phí. Tính sơ sơ có đến hơn chục loại. Riêng thuế có 5-6 loại, như: thuế nhập khẩu ô tô, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế giá trị gia tăng (GTGT). Phí thì còn nhiều hơn: phí biển số xe, phí trông giữ xe, phí ra vào bến xe, phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ… Đấy là chưa nói đến các loại chi phí ngầm, chi phí “đen” đè nặng lên DN vận tải khiến họ rất mệt mỏi. Giá vận tải đường bộ của Việt Nam hiện nay đắt nhất trong khu vực.
Tôi kiến nghị phải giảm các loại thuế và thu gọn các loại phí để hợp lý hơn. Cụ thể, để giá ô tô cân bằng với các nước trong khu vực, tạo thuận lợi cho DN và người dân có nhu cầu mua sắm thì cần giảm mạnh các loại thuế, trong đó có thuế nhập khẩu đang là 50%, thuế GTGT đã kiến nghị đưa về 5% một thời gian ngắn đến nay lại áp ở mức 10%, thuế thu nhập DN hiện trên 20% là quá cao. Đặc biệt, nhà nước cần có giải pháp quyết liệt triệt tiêu chi phí “đen” thì cạnh tranh trong ngành vận tải mới lành mạnh được.
TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
Thuế cho DN nhỏ và vừa chỉ nên 18%
Dù đã có giảm một số loại thuế như thu nhập DN, thu nhập cá nhân, GTGT… nhưng mức thu thuế ở Việt Nam vẫn cao hơn so với khả năng sản xuất của DN. Cần phải giảm thuế nữa để tạo khoản dư nhất định cho DN tái tạo đầu tư, đào tạo đội ngũ, nhập công nghệ mới, hiện đại… thì mới phát triển, cạnh tranh được.
Mức thuế thu nhập DN bình quân ở Việt Nam trước đây là 23%-27%, nay giảm còn 23%. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn trung bình của thế giới là 16%. Do đó, Việt Nam cần xem xét điều chỉnh mức thuế này về khoảng 20%, trong đó DN nhỏ và vừa nên ở mức 18% để bảo đảm hài hòa lợi ích và tạo điều kiện cho DN phát triển.
Về các loại phí, cần thiết phải thu gọn lại chứ không thể để tình trạng “phụ thu lạm bổ” sẽ làm kiệt sức dân. Phần phí nhà nước thu cần quy định rõ ràng, phí thuộc các DN tư nhân được phép thu cũng phải có sự kiểm soát chặt của nhà nước để bảo đảm công bằng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Thủ tục hành chính thuế quá phiền hà
heo các nghiên cứu so sánh thì thuế suất của một số loại thuế, phí của Việt Nam vẫn còn cao so với nhiều nước trên thế giới. Nhưng điều mà các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, lo ngại là tính ổn định của các mức thuế, phí chưa được bảo đảm; việc thay đổi các mức thuế nhanh, không dự báo trước được tạo ra những khó khăn lớn cho kế hoạch kinh doanh dài hạn của DN.
Đặc biệt, thủ tục hành chính thuế và phí còn nhiều phiền hà, chưa minh bạch, khiến chi phí thực tế của DN cao. Đây là những vấn đề mà Chính phủ đã nhận ra và đang cố gắng thay đổi với thái độ quyết liệt.
Thuế có phạm vi tác động rộng lớn đối với cộng đồng DN và nền kinh tế. Nếu như thủ tục giấy phép nào đó phiền hà thì chỉ tác động đến số lượng DN nhất định có nhu cầu xin phép (có thể vài ngàn, vài chục ngàn DN…) và chỉ tác động vào một số thời điểm nhất định (như khi xin cấp phép và gia hạn giấy phép) nhưng thủ tục hành chính thuế thì lại tác động đến tất cả DN, ở tất cả thời điểm khác nhau. Bất cứ một DN nào đang tồn tại, đang hoạt động đều phải đối mặt với thủ tục hành chính thuế.
Bình luận (0)