Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy nhanh các dự án điện để đảm bảo nhu cầu điện ở miền Nam - Ảnh: Xuân Tuyến
Sáng nay, 8-9, sau khi đi kiểm tra một số nhà máy thuộc Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nghe báo cáo chi tiết về tình trạng thiếu điện tại miền Nam và chỉ đạo thực hiện các giải pháp khẩn cấp để đảm bảo Miền Nam không thiếu điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, trong đó định hướng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020 và dự báo nhu cầu điện tại Qui hoạch điện VII điều chỉnh, EVN xây dựng kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2016-2020 đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc. Trong đó, tăng trưởng nhu cầu điện tính toán theo 2 kịch bản, bình quân 11,6%/năm (phương án cơ sở) và 13%/năm (phương án cao).
Tính toán cân bằng cung cầu điện toàn quốc đối với phương án cơ sở trong giai đoạn 2017-2020, hệ thống điện miền Bắc và miền Trung luôn đảm bảo cấp điện cho các phụ tải trong khu vực và có dự phòng.
"Tuy nhiên, miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10-15% tổng nhu cầu miền"- đại diện EVN cho hay.
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN, từ năm 2017 đã phải huy động cao các nguồn điện chạy dầu ở miền năm khoảng 5 tỉ kWh, riêng các năm 2018 và 2019 phải huy động tối đa các nguồn điện dầu theo khả năng phát khoảng 8,5 tỉ kWh/năm.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, nếu phát điện bằng dầu sẽ đắt hơn 2 lần so với than, và chắc chắn sẽ phải bù lỗ rất lớn.
”Do đó, miền Nam luôn phải nhận điện từ miền Bắc, miền Trung qua hệ thống truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào Miền Nam với nhu cầu khoảng 15 tỉ kWh năm 2017,sẽ tăng tới 21 tỉ kWh 2019”- ông Hưng nói.
Đáng chú ý hiện tại năng lực truyền tải điện vào miền Nam chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm (đạt ngưỡng giới hạn truyền tải Bắc - Nam) do khả năng truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung chỉ đạt tối đa 14-15 tỉ kWh/năm.
Do đó, theo EVN, giải pháp cấp bách nhất hiện nay là khẩn trương xây dựng đường dây 500kV từ Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku nhằm tăng thêm khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào Trung khoảng 5 tỉ kWh/năm.
”Trường hợp kịp đưa vào vận hành năm 2019, sẽ giảm thiểu được tình trạng thiếu điện tại miền Nam và giảm được sản lượng phải huy động các nhiệt điện dầu”- Chủ tịch EVN khẳng định.
Bên cạnh đó, việc đưa vào vận hành đúng tiến độ các tổ máy nhiệt điện khu vực miền Nam (như: Vĩnh Tân 1, Long Phú 1, Sông Hậu 1...) sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng cung cầu điện cho miền Nam giai đoạn 2017-2020. "Nếu chậm tiến độ một trong các dự án này, miền Nam sẽ thiếu điện ngay năm 2019"- ông Thành lo ngại.
Trong mọi trường hợp, việc đảm bảo nhiên liệu cho các nguồn điện miền Nam đóng vai trò rất quan trọng. Theo tính toán, cần có một cảng trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện trong khu vực, đảm bảo nguồn cung ổn định mới có thể giải quyết căn bản bài toán thiếu điện của miền Nam.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng Sản Việt Nam (TKV) cho biết đã được giao thực hiện các nghiên cứu để lập phương án xây dựng cảng trung chuyển than. Sau khi tiến hành nghiên cứu, khảo sát một cách kỹ lưỡng, các đơn vị tư vấn kiến nghị xây dựng một cảng trung chuyển than tập trung, đặt tại cảng than hiện đang phục vụ cho các nhà máy điện thuộc trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải – tỉnh Trà Vinh.
Tại cuộc làm việc, đại diện TKV và đơn vị tư vấn khẳng định xây dựng cảng trung chuyển than tại Trà Vinh là phương án phù hợp, hiệu quả nhất. Sau khi hoàn thành, cảng trung chuyển than sẽ đảm bảo cung ứng đủ than cho không chỉ các nhà máy nhiệt điện thuộc trung tâm Duyên Hải, mà còn cho các nhà máy khác trong khu vực ĐBSCL.
Kết luận về nội dung này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo đủ điện cho miền Nam, cho nhu cầu công nghiệp hoá, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới. Bên cạnh việc tăng năng lực truyền tải điện trục Bắc – Nam, thì phát triển nhiệt điện tại các tỉnh ĐBSCL chính là giải pháp phù hợp nhất.
Là một địa phương có những lợi thế đặc biệt phù hợp cho phát triển nhiệt điện, Trà Vinh được đánh giá là trung tâm nguồn lớn của ĐBSCL và cả nước. Do đó, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ưu tiên xây dựng các nhà máy nhiệt điện tại Trà Vinh không chỉ giúp địa phương phát triển, mà còn giúp giải bài toán thiếu điện cho nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN, TKV, PVN thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đường dây 500kv Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku.
Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nhiệt điện khu vực miền Nam, kể cả khu vực miền Trung.
Tập trung đấy nhanh quá trình chuẩn bị, triẻn khai thực hiện để sớm đưa vào khai thác các nhà máy nhiệt điện khu vực ĐBSCL: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Tân Phước, Long An, Bạc Liêu, Vĩnh Tân…. Những nhà máy đá xây dựng xong thì đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt, cùng với đó đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng dầu để chạy các nhà máy nhiệt điện.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ khai thác Khí lô B (2021), chuẩn bị xây dựng các nhà máy nhiệt điện khí ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Đối với các dự án năng lượng tái tạo khác, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN phải vào cuộc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhất trí với đề xuất của EVN và đề nghị sớm nghiên cứu, phát triển nguồn điện để nhập khẩu từ các nước trong khu vực tiểu vùng Sông Mekong.
Về xây dựng cảng trung chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu TKV tiếp tục hoàn thiện dự án cảng than tại khu vực Duyên Hải – Trà Vinh, trong đó có các phương án đảm bảo an toàn trong khai thác; thực hiện đánh giá tác động môi trường một cách cẩn trọng, khoa học.
“Đơn vị tư vấn, nghiên cứu phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để phối hợp, thống nhất. Phải tiến hành mời tư vấn quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, thiết kế, phát triển cảng than để phản biện”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Rà soát các thuỷ điện trong quy hoạch
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu rà soát các dự án thuỷ điện trong quy hoạch để khai thác, sử dụng có hiệu quả. “Không bỏ phí thuỷ điện, nhưng không vì thuỷ điện để tàn phá môi trường. Phải kết hợp rất hài hoà, làm sao sử dụng hiệu quả cao nhất, vừa đảm bảo môi trường”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bình luận (0)