Theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh có chứng chỉ tương đương trình độ ngoại ngữ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên sẽ được miễn thi.
Cần quy định rõ ràng hơn
Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trình độ ngoại ngữ từ bậc 3 trở lên cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Do đó, thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ dự kiến sẽ nhận điểm tối đa môn này khi xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Quy định nêu trên của Bộ GD-ĐT đang khiến không ít chuyên gia tuyển sinh lo ngại sẽ dẫn đến việc thiếu công bằng với các thí sinh. Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), Bộ GD-ĐT nên tính toán tùy theo từng mức điểm đạt trong chứng chỉ của học sinh mà quy đổi ra điểm để xét tốt nghiệp THPT, chứ không phải cùng quy ra một mức. “Thí sinh có điểm trong chứng chỉ cao cũng được điểm như thí sinh có điểm thấp hơn là không công bằng” - PGS Cương nhìn nhận.
Cùng quan điểm này, một chuyên gia của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, cho rằng nên chia theo thang điểm, ví dụ bao nhiêu điểm IELTS hay TOEFL… thì được 8, 9 hay 10 điểm khi xét tốt nghiệp THPT.
“Việc miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế là nên làm nhưng quy định “tặng” thí sinh điểm tối đa thì cần xem lại và cần quy định rõ ràng hơn. Các chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC, TOEFL, IELTS đều có những yêu cầu khác nhau về năng lực ngoại ngữ và kỹ năng làm bài. Thí sinh có các chứng chỉ quốc tế này nhưng đi thi chưa chắc được 10 điểm là chuyện bình thường. Vì vậy, cần có thang điểm cụ thể để tạo công bằng giữa các thí sinh” - chuyên gia này kiến nghị.
Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cũng cho rằng cần có thang điểm rõ ràng chứ không phải tất cả cùng được điểm tối đa bởi chứng chỉ phân hóa nhiều trình độ. Về lâu dài, Bộ GD-ĐT nên kiểm định và giao quyền cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho một số trung tâm uy tín.
Nỗi lo chứng chỉ giả
Không chỉ lo thiếu công bằng, nhiều chuyên gia còn băn khoăn việc miễn thi có thể dẫn đến tình trạng mua bán chứng chỉ ngoại ngữ giả.
Theo một giảng viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, việc mua chứng chỉ thật của các trung tâm ngoại ngữ uy tín là điều không thể nhưng chứng chỉ giả thì quá dễ. PGS Văn Như Cương đặt vấn đề: “Bằng ĐH còn làm giả được thì việc làm giả chứng chỉ ngoại ngữ là không mấy khó khăn”.
Phóng viên đã thử tìm trên mạng và phát hiện một website đăng tải lời mời làm chứng chỉ B2 châu Âu hoặc TOEIC, TOEFL, IELTS, trong thời gian không quá 1 tuần.
Bình luận (0)