Thế nhưng, trên thực tế, cơ chế điều hành của tổ điều hành giá chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng mà dường như nghiêng về phía lợi ích của doanh nghiệp (DN) nhiều hơn. Điều đó đã dẫn đến hàng loạt bức xúc của người dân về giá bán lẻ, thực tế lãi - lỗ của các DN, cơ chế kiểm soát của bộ - ngành chức năng đối với ngành hàng này...
Đã có một số giải pháp thăm dò như chia nhỏ Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex, đang chiếm hơn 60% thị phần) hoặc sáp nhập Petrolimex vào Tập đoàn Dầu khí VN (Petro VN)...
Nếu chia nhỏ Petrolimex thành nhiều DN, chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ chẳng là bao vì Nhà nước cho phép 11 DN đầu mối cùng kinh doanh xăng dầu nhưng giá bán lẻ xăng dầu của những DN này đều phụ thuộc Petrolimex. Dù có chia nhỏ Petrolimex thành 100 DN xăng dầu đi nữa mà cơ chế vận hành như cũ, các DN đồng loạt tăng và giảm giá thì chỉ có lợi ích DN được bảo toàn, còn Nhà nước và người tiêu dùng vẫn không được gì. Nói cách khác, cơ chế cạnh tranh nửa vời cứ tiếp diễn, có khác chăng chỉ là sự thay đổi về số lượng DN.
Tương tự, nếu sáp nhập Petrolimex vào Petro VN, một tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh sẽ được hình thành. Nhưng Petro VN sẽ thay Petrolimex điều hành thị trường, tức là trật tự sẽ không thay đổi, tình hình không được cải thiện.
Để cơ chế kinh doanh xăng dầu vận hành theo sát và phù hợp với giá thế giới, đồng thời giữ vững lợi ích Nhà nước và người tiêu dùng, cần phải bảo đảm hai yếu tố. Một là, công khai tất cả chi phí trong kinh doanh xăng dầu - có cơ chế kiểm soát của Nhà nước và cơ chế DN tự công khai. Hai là, phân tích cơ cấu hình thành giá thành bán lẻ xăng dầu. Nhà nước quy định cụ thể tỉ lệ lợi nhuận trên giá nhập khẩu. Giả sử, giá nhập khẩu là 7.700 đồng/lít (xăng A92), Nhà nước quy định tỉ lệ lợi nhuận DN là 5%, tức là 285 đồng/lít. DN hạch toán cộng giá nhập khẩu, thuế và các chi phí khác, cộng lợi nhuận cho ra giá bán lẻ. Như vậy, khi giá xăng dầu thế giới lên thì lợi nhuận DN tăng theo và ngược lại. Bên cạnh đó, cần quy định về tỉ lệ quỹ bình ổn giá, nếu giá xăng dầu thế giới tăng đột biến với một tỉ lệ nào đó thì DN phải trích vào quỹ bình ổn giá, đương nhiên cũng theo tỉ lệ ấn định sẵn.
Làm được như vậy, chuyện lãi - lỗ của DN sẽ luôn được minh bạch, Nhà nước ít phải bù lỗ và người tiêu dùng yên tâm vì thấy rõ đồng tiền mình bỏ ra sẽ đi về đâu
Bình luận (0)