Với lời hịch văn được tuyên thệ trước các đấng thành hoàng, bổn xứ: “Chúng tôi gồm những người làm việc công của làng, xin thề: Nếu ai dùng của công vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử. Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt…”, lễ hội Minh thề đã vượt cả không gian của một hội làng với ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc. Ấy là bởi khuôn vàng đạo lý “Chí công vô tư” của các chức sắc và người dân Hòa Liễu rất đáng để suy ngẫm, học hỏi.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy con người cần có 4 đức tính là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Nếu như “Cần” và “Kiệm” là 2 phẩm chất của đời sống thì “Liêm” và “Chính” là những phẩm chất không thể thiếu, nhất là đối với cán bộ - người được cho là “công bộc” của dân, trong đó Liêm được đặt lên hàng đầu.
Ông Đặng Huy Trứ, làm quan thời vua Tự Đức nhà Nguyễn, trong cuốn “Từ thụ yếu quy” đã lên án mạnh mẽ, chống nạn hối lộ, tham nhũng chốn quan trường. Nhắc chuyện xưa để thấy rằng đối với người làm quan thì chữ Liêm quan trọng đến nhường nào. Giữ mình trong sạch, thanh bần trước mọi cám dỗ của tiền tài, sắc dục mới xứng đáng là “Phụ mẫu chi dân”!
Thực tế hiện nay cho thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ, quan chức tham nhũng, hối lộ, dùng của công vào việc tư đã và đang trở thành quốc nạn. Mà đã không “Liêm” thì không thể “Trung với nước, Hiếu với dân” được và càng không thể trung thành với lý tưởng cộng sản vốn đòi hỏi rất cao việc hy sinh lợi ích cá nhân, phấn đấu suốt đời phụng sự cho lợi ích toàn dân tộc.
Trong những năm tháng khốc liệt của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, dẫu gian khó cực cùng nhưng người dân vẫn đặt hết niềm tin vào cách mạng bởi họ thấy rõ chữ Liêm trong mọi hành động của người cán bộ. Còn bây giờ, không một quan chức nào tự nhận mình “không thanh liêm” nhưng nhìn vào cuộc sống xa hoa, phù phiếm của nhiều người trong số họ, liệu rằng dân có đủ lòng tin?!
Trở lại với lễ hội Minh thề, người dân đến với hội không phải cầu mong lợi danh mà là để tự nguyện giữ lòng trung thực, trong sáng. Cổ nhân có câu “Quan tham vì dân dại” nên nếu cái tâm của dân thẳng ngay, không chịu đút lót, hối lộ thì quan chức sẽ không có cơ hội để bất liêm. Thậm chí, người dân phải biết kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực thi công vụ nghiêm túc và thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm dù kẻ đó có chức tước, địa vị to hay nhỏ.
Vậy nên, mong rằng lễ hội Minh thề sẽ không hạn hẹp trong khuôn khổ hội làng để những giá trị nhân văn sâu sắc của nó luôn hiện hữu trong đời sống xã hội hôm nay và là “kim chỉ nam” trong từng hành động của mỗi cán bộ.
Bình luận (0)